Đoàn viên thanh niên thành phố Yên Bái hướng dẫn người dân thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CĐS phường; thành lập các tổ CĐS cộng đồng từ phường đến các tổ dân phố. Đây là cầu nối để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến với người dân; trực tiếp truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với sự tuyên truyền, hướng dẫn từ các tổ CĐS cộng đồng và qua các trang mạng xã hội như nhóm Zalo, Facebook… đã giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số.
Đến thời điểm hiện tại, phường Đồng Tâm có 95% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 95,1% số người dân có tài khoản ngân hàng thanh toán cá nhân; 76% hộ dân thanh toán tiền điện sáng không dùng tiền mặt; 1.106 hộ gia đình đạt gia đình công dân số, 2.559 công dân đạt công dân số...
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và thành phố về triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng Công dân số Yên Bái (YenBai-S), tổ CĐS cộng đồng phường và tổ dân phố đã triển khai lồng ghép trong các hội nghị và trực tiếp đến từng hộ dân để hướng dẫn và cài đặt.
Đến ngày 6/3, phường Đồng Tâm đã có 1.910/6.451 người, bằng 30% số người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng YenBai-S. Việc cài đặt ứng dụng YenBai-S cũng được triển khai ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố, đã nhận được sự hưởng ứng cài đặt của đông đảo cán bộ và nhân dân.
Không chỉ ở địa bàn thành phố, trong thời gian qua, những ứng dụng và tiện ích của CĐS đã mang lại sự hài lòng và hạnh phúc hơn đối với người dân Yên Bái. CĐS đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Yên Bái với sự vào cuộc của gần 10.000 thành viên của 1.356 tổ CĐS cộng đồng đã đưa CĐS đến từng ngõ, từng nhà và mọi người dân trong tỉnh đều được nghe, được biết về CĐS, đưa người dân trở thành những công dân số.
Yên Bái tập trung lựa chọn cách làm về CĐS song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, luôn nhất quán phương châm "CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”. Trong năm 2022, tỉnh đã ban hành 36 văn bản quan trọng về CĐS (2 nghị quyết, 13 quyết định, 2 chỉ thị, 18 kế hoạch và 1 đề án), ban hành trên 65 văn bản triển khai Đề án 06.
Về cơ bản, tỉnh đã hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ CĐS giai đoạn 2023 - 2025. Ký kết chương trình hợp tác về CĐS giai đoạn 2022- 2025 với 2 tập đoàn lớn là Viettel và VNPT. 100% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 40% số cán bộ, công chức của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về CĐS.
Về xây dựng, phát triển chính quyền số, Yên Bái triển khai theo cách riêng. Tỉnh xác định được 8 mô hình CĐS, hoàn thành thí điểm và từng bước nhân rộng. Thông qua các mô hình CĐS làm cho cán bộ, công chức, người dân thay đổi nhận thức về CĐS: "hiểu được” nghĩa là có các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; "thấy được” nghĩa là có cách làm, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng; "sờ được” nghĩa là kết quả được đo đếm dựa trên số liệu từ hệ thống, đây là cách làm về CĐS của Yên Bái.
Về kinh tế số, tập trung thực hiện số hóa dữ liệu, tạo tài khoản, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các tiện ích, ứng dụng để thúc đẩy người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trước mắt là thúc đẩy thanh toán các dịch vụ phổ biến, thiết yếu như tiền điện, tiền nước...
Về xã hội số, đến nay, toàn tỉnh có 200 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân, trên 71% số người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế bảo hiểm y tế giấy khi khám chữa bệnh.
Năm 2023, được tỉnh chọn là năm "bứt phá trong CĐS” với đặc trưng của Yên Bái - "CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn". Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của các bộ, ngành, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động.
Trong đó, làm rõ từng chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ, nguồn lực và trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh và với các bộ, ngành. Tiếp tục đánh giá, nhân rộng các mô hình, các giải pháp về triển khai thực hiện CĐS cũng như Đề án 06 một cách hiệu quả gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của tỉnh.
Đồng thời đẩy nhanh số hóa hồ sơ, xác thực dữ liệu hộ tịch; dữ liệu an sinh xã hội; đất đai...; cập nhật, đồng bộ 100% các đối tượng chính sách lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử; tổ chức mở tài khoản cho công dân thuộc đối tượng an sinh xã hội; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt... để mọi người dân, mọi đối tượng đều được hưởng những lợi ích thiết thực từ CĐS, đem lại sự hài lòng và hạnh phúc hơn cho người dân.
Mạnh Cường