Chú trọng phát triển giao thông thông minh

01/11/2021, 10:17

(HNM) - Hà Nội đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh, trong đó ưu tiên triển khai 6 nhóm dịch vụ nhằm đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường giao thông. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương về vấn đề này.

Hoạt động của Trung tâm Điều khiển giao thông thành phố Hà Nội giúp lực lượng chức năng chủ động cảnh báo, điều tiết từ xa, hạn chế thấp nhất nguy cơ ùn tắc giao thông. Ảnh: Hải Anh

- Xin ông cho biết, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông của Hà Nội hiện nay?

- Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và cho phép triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông. Cụ thể, thành phố đã lắp đặt hơn 400 camera giám sát tại 200 nút giao thông kết nối với Trung tâm Điều hành giao thông của Công an thành phố. Các phương tiện vận tải hành khách xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe liên tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trung tâm điều hành của doanh nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hà Nội cũng thí điểm chốt chuyến lượt xe buýt bằng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) cho hơn 700 xe buýt; thí điểm vé điện tử trên các tuyến buýt 32, 51, 06, BRT.

Cùng với đó, thành phố đã triển khai một số ứng dụng phục vụ người dân và công tác quản lý, gồm: Ứng dụng “Timbuyt” để tra cứu thông tin về hoạt động xe buýt; ứng dụng “Ipaking” thu phí đỗ xe; ứng dụng “Goveone” trong quản lý bảo trì đường bộ. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội.

- Việc phát triển giao thông thông minh có vai trò như thế nào đối với thành phố Hà Nội, thưa ông?

- Giao thông thông minh có vai trò tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước (tăng mức độ chính xác, kịp thời, giảm nhân sự, chi phí...), đồng thời cải thiện môi trường giao thông (bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm tai nạn, giảm phát thải từ giao thông). Bên cạnh đó, đây còn là công cụ Hà Nội định hướng triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ gia tăng, để từ đó tối ưu hóa, đồng bộ hóa việc đầu tư, tạo khả năng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cho phép các ứng dụng mới tái sử dụng các thành phần đã được phát triển trước đó trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số.

- Ông có thể cho biết, cơ quan quản lý và người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì khi ứng dụng công nghệ giao thông thông minh?

- Người tham gia giao thông sẽ nắm bắt thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; tham gia giao thông một cách an toàn; tăng trải nghiệm sử dụng dịch vụ đường bộ. Đối với phương tiện giao thông, ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các doanh nghiệp vận tải sẽ quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Trên cơ sở hiện trạng giao thông của Hà Nội, thành phố sẽ ưu tiên các nhóm dịch vụ nào để bảo đảm tính khả thi, thưa ông?

- Trong nội dung dự thảo đề án mà Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang xây dựng có 6 nhóm dịch vụ được ưu tiên triển khai. Cụ thể, trong quản lý và điều hành giao thông có các dịch vụ chủ yếu như: Giám sát điều khiển giao thông; giám sát chấp hành Luật Giao thông (xử phạt bằng hình ảnh; hỗ trợ kiểm soát tốc độ phương tiện; hỗ trợ chấp hành đèn tín hiệu giao thông); phát hiện và xử lý sự cố.

Về thông tin giao thông có các dịch vụ cung cấp thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; dịch vụ dẫn đường. Về vận tải công cộng có dịch vụ hỗ trợ quản lý, giám sát phương tiện; điều hành vận tải công cộng; ưu tiên phương tiện vận tải công cộng; cung cấp thông tin thời gian thực về vị trí phương tiện cho người dân. Người dân có thể thanh toán điện tử vận tải công cộng tại các bãi đỗ xe, trạm thu phí; thanh toán điện tử tích hợp, liên thông.

Dịch vụ hỗ trợ lái xe an toàn gồm: Quản lý thông tin lái xe; hỗ trợ quản lý đào tạo cấp giấy phép lái xe; kiểm soát tự động tốc độ phương tiện cho lái xe. Ngoài ra, còn có dịch vụ hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Trong quá trình phát triển, các dịch vụ có thể được bổ sung và hoàn thiện.

- Xin ông cho biết lộ trình triển khai đề án?

- Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội dự kiến đề xuất và xin UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương xây dựng đề án vào quý IV-2021; lập và phê duyệt đề án trong quý I và quý II-2022; xây dựng và phê duyệt Kế hoạch triển khai đề án vào quý IV-2022. Dự kiến, việc thực hiện các chương trình, dự án bắt đầu từ năm 2023.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO