Trong 10 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.HCM đã triển khai thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đã đào tạo 16 lớp cho 446 học viên lao động nông thôn đạt trình độ sơ cấp (TOF) ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây rau, cây hoa, cây kiểng, nuôi heo, bò sữa, cá cảnh và nấm ăn.
Về đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng (TOT), đã đào tạo năng lực thực hành cho 4 lớp, khoảng 204 học viên là lao động nông thôn các lĩnh vực cụ thể sau: 1 lớp trồng rau an toàn, 1 lớp canh tác hoa kiểng, 1 lớp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi hàu và 1 lớp chăn nuôi bò thịt.
Trồng rau thủy canh tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Quang Sung
Sở NNPTNT đã tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 40 nông dân trên địa bàn thành phố về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: 1 lớp canh tác rau ăn quả ứng dụng công nghệ, 1 lớp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.
Về tham quan, học tập trong nước, Sở NNPTNT TP.HCM đã tổ chức 13 chuyến tham quan học tập tại các tỉnh, thành. Trong đó có 4 chuyến học tập các mô hình hợp tác xã (HTX) điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai cơ chế chính sách rau an toàn. 2 chuyến học tập các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng cho Ban Giám đốc HTX, xã viên nòng cốt, Ban điều hành tổ hợp tác (THT), tổ viên nòng cốt của các HTX, THT sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng; các hộ sản xuất, kinh doanh có nguyện vọng tham gia HTX, THT, cán bộ cơ sở. 3 chuyến học tập các mô hình HTX điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai cơ chế chính sách chăn nuôi bò sữa, heo. 3 chuyến khảo sát học tập tại các tỉnh thành về tham mưu, triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. 1 chuyến học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại tỉnh Lâm Đồng.
Về tập huấn cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NNPTNT TP.HCM đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho 870 nông dân, để giới thiệu về công nghệ cao trong chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt; quản lý môi trường trong nhà màng; về tổ hợp khẩu phần thức ăn TMR (Total Mixed Ration) trong chăn nuôi bò sữa; về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; kỹ thuật trồng rau ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa; kỹ thuật chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại; dinh dưỡng trên bò thịt, bò sữa; giám định, bình tuyển và xếp cấp bò sữa theo chỉ số sản xuất tổng hợp TPI, tập huấn nâng cao hoạt động HTX, THT bò sữa, rau, hoa, cá cảnh.
Tại HTX Vườn Lan Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM), ngoài cung cấp hoa giống, HTX còn bán ra các chậu lan cắm sẵn, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm hoa lan do HTX lai tạo. Ảnh: Quang Sung
Sở NNPTNT TP.HCM đã tổ chức 4 hội thảo cấp thành phố, cấp huyện và 17 hội nghị có khoảng 640 lượt cán bộ kỹ thuật và nông dân tham dự về nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nuôi tôm, sản xuất cá cảnh, nâng cao năng lực kinh doanh, sản xuất cho hợp tác xã và tổ hợp tác.
Từ nay cho đến hết năm 2022, TP.HCM chủ trương tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, công nghệ canh tác trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đây là việc làm nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.