Chủ tịch Quốc hội: Chắc chỉ còn mỗi Việt Nam dùng hộ khẩu giấy

02/07/2021, 10:20

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại sổ hộ khẩu. Thế giới đã có thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân.

Cho ý kiến dự thảo Luật Cư trú sửa đổi tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 10/8, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý hộ khẩu mới khi bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/7/2021.

Sử dụng đồng thời hộ khẩu điện tử và giấy trong 5 năm

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lo ngại “không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế”.

Bởi để áp dụng phương thức quản lý cư trú mới, cần phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân.

Đồng thời, tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng; cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu. Việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế...

UB Pháp luật dẫn chứng trường hợp huyện Bình Chánh và TP.HCM mới chỉ tiến hành thu thập thông tin dân cư thường trú. Tổng số phiếu sai sót thông tin của TP.HCM là hơn 67.000 phiếu (chiếm 2,2%)...

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ để Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 hoặc có phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp. Bởi, nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Vì vậy, Thường trực UB Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự cho đến hết ngày 31/12/2025.

Đồng thời, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này.

Chuyển tiếp hộ khẩu giấy đến 2025 là quá dài

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc kéo dài thời gian chuyển tiếp đến 2025 là quá dài. Tuy nhiên ông Thanh cũng băn khoăn nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ có nhiều vướng mắc vì liên quan đến nhiều thủ tục đi kèm.

Vì vậy, ông đề nghị cho tồn tại song song như việc thu phí tự động không dừng. “Đến năm 2025 đúng là quá dài thật nhưng vẫn phải có thời gian chuyển tiếp linh hoạt, tạo điều kiện trong thủ tục hành chính”, ông Thanh đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ủng hộ quan điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: "Trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân".

Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền tự do cư trú đã được quy định, đến lúc cần bỏ những thủ tục giấy tờ cũ, không phải nhìn về quá khứ, không phải không có sổ này thì quản lý không được.

"Mấy chục thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu lạc hậu rồi thì bỏ đi. Tại sao cứ bám vào những điều kiện đó, mà có quản được đâu. Tạm trú, tạm vắng có quản được không, khó lắm, nên giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”, bà Ngân lưu ý.

Dù UB Pháp luật Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu tới năm 2025 nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình ra để hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

"Chúng tôi nghĩ tất cả bước đi lộ trình, tất cả các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện việc này thì sẽ có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện", Đại tướng Tô Lâm khẳng định.

Theo Bộ trưởng Công an, nếu vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. "Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói, đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, các công dân. Bây giờ lại kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện việc này không cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua và hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm liên quan rất nỗ lực thực hiện việc này. Thủ tướng đã có chỉ thị 07 về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành khác. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cho biết, Quyết định 22 mới đây quy định về mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ cho kết nối dữ liệu các bộ ngành, địa phương. Trong đó, quy định thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực, tức là ngày 15/9 này các bộ ngành địa phương thực hiện nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu xây dựng chính phủ điện tử. Bộ TT&TT được giao đầu mối đôn đốc bộ ngành, địa phương thực hiện quyết định này.

Thu Hằng

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO