Tháng 6/2020, “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt với những mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược cụ thể để đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Nhằm thực hiện chuyển đổi số thành công, xã hội được số hóa thì việc định danh số, chữ ký số cần đi tiên phong. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại đang tồn tại một số bất cập khiến cho tốc độ số hóa, công dân số hóa tại nhiều địa phương, tỉnh thành chưa đạt được so với yêu cầu chuyển đối số quốc gia định hướng đến năm 2025 của Chính phủ.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả do thiếu các giải pháp điện tử phù hợp. Hiện việc triển khai cung cấp dịch vụ công thuộc các cơ quan hành chính các cấp ở một vài nơi vẫn còn mang tính hình thức, phong trào, chưa thuận lợi.
Ảnh minh họa |
Dù dịch vụ công trực tuyến đều đã được cung cấp với hầu khắp các tỉnh, thành và các bộ ngành nhưng số lượng người dân truy cập và yêu cầu cung cấp dịch vụ còn chưa cao. Các cơ quan cung cấp dịch vụ công đang cần một giải pháp phù hợp để định danh, xác thực điện tử, xác thực giấy tờ công dân. Được thực hiện theo phương thức trực tuyến nhưng ở một số khâu, người dân vẫn phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để hoàn tất dịch vụ. Nguyên nhân bởi các bộ, ngành, địa phương đang sử dụng những giải pháp định danh xác thực ở mức độ thấp, thiếu an toàn, số lượng người dân được cấp danh tính số còn hạn chế.
Thêm lý do khiến người dân chưa sử dụng chữ ký số cá nhân vì chi phí cho chữ ký số cá nhân còn rất cao, vòng đời sử dụng chỉ vài lần, không khuyến khích người sử dụng. Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý của định danh, xác thực điện tử vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có giải pháp xác thực định danh điện tử thuận lợi, phù hợp túi tiền của người dùng, ông Ngô Hải Phan cho biết thêm.
Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, mặc dù chữ ký số không còn quá xa lạ với nhiều người, nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng cũng như lợi ích mà nó có thể mang lại. Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, e ngại, cả về mức độ tiện lợi, tính bảo mật cũng như sự cần thiết của chữ ký số.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, khi các tổ chức cung cấp khóa bí mật đến với từng cá nhân, từng tổ chức thì chỉ tổ chức này hay cá nhân này được sở hữu khóa bí mật và hoàn toàn kiểm soát khóa bí mật này thôi. Vì khóa bí mật này được lưu trong một USB bảo mật và chỉ có tổ chức hoặc cá nhân đó có số PIN để có thể sử dụng khóa bí mật này ký lên các văn bản, nó đảm bảo tính chối bỏ cũng như tính toàn vẹn. Đồng thời USB này đạt chuẩn bảo mật cao nhất hiện nay.
Hiện nay, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia là cơ quan thẩm định và kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số để khẳng định cách cung cấp phương pháp kỹ thuật, các hệ thống đảm bảo quy trình bảo mật này.
Với định hướng chính phủ điện tử, xây dựng công dân số, xã hội số, đặc biệt là nhu cầu tự thân của mỗi người chúng ta là luôn luôn số hóa mọi hoạt động trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão ở mọi lĩnh vực thì nhu cầu và tiềm năng của chữ ký số cho cá nhân sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa. Cần đưa ra những công nghệ thực sự thuận tiện, thân thiện, dễ sử dụng với số đông người dùng. Đồng thời, cần nhanh chóng đưa ra một mức chi phí hợp lý đối với thuê bao chữ ký số để giảm gánh nặng cho người dùng, có như vậy chính sách mới nhanh đi vào cuộc sống.