Chính phủ điện tử ở An Giang: Thước đo là sự hài lòng của người dân!

10/12/2021, 10:43

Tỉnh An Giang tập trung phát triển 03 trụ cột chính là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, khẳng định lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. 

Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh An Giang khẳng định lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Bên lề Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam Digital Awards 2021), ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh An Giang, đơn vị duy nhất tại khu vực Tây Nam Bộ được vinh danh trong hạng mục "cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc" ởđã có cuộc trò chuyện với VietTimes về các trụ cột chính trong chuyển đổi số của tỉnh.

100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4

Phóng viên: - Thưa ông, là đơn vị được vinh danh trong hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, xin ông cho biết, tỉnh đã phê duyệt các Kế hoạch chuyển đổi số cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Trước hết thay mặt toàn thể công chức, viên chức và người lao động Sở TT&TT An Giang, trân trọng cảm ơn Hội Truyền thông số Việt Nam đã đánh giá cao việc chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang, đây là vinh dự lớn của Sở TT&TT An Giang.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chương trình chuyển đổi số là 1 trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh. Trên cơ sở Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thì Sở đã tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành Chương trình 553/CTr-UBND ngày 09/9/2021 về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

Chương trình tập trung phát triển 03 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, với mục tiêu xây dựng Chính quyền số tỉnh An Giang chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu; Cơ quan nhà nước chỉ đạo, điều hành trên cơ sở dữ liệu thời gian thực.

*Được biết, An Giang đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4, xin ông chia sẻ thêm về hành trình chuyển đổi số của tỉnh nhà?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Chúng tôi mong muốn phục vụ người dân tốt hơn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa UDCNTT và CCHC, đổi đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) với người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ICT, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 513/KH-UBND ngày 16/8/2021 về Triển khai và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 trên địa bàn tỉnh An Giang và đã tham mưu UBND tỉnh Thành lập tổ giúp việc triển khai kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Vượt qua những rào cản

* Trong quá trình chuyển đổi số dịch vụ công có vấp phải những khó khăn nào thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: -Trong quá trình thực hiện thì gặp một số trở ngại khó khăn như việc hiệu chỉnh, thiết lập và cập nhật quy trình nội bộ TTHC và một trong các khó khăn trong cơ quan nhà nước, phải có sự quyết tâm của Lãnh đạo đơn vị cung cấp TTHC.

Xác thực điện tử, thanh toán điện tử và người dân tham gia thao tác trên môi trường mạng cũng là trở ngại lớn để triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Sở TT&TT An Giang rất ủng hộ chủ trương này, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở rộng dịch vụ; nâng cấp hoàn thiện Cổng dịch vụ công của tỉnh; tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ cập hướng dẫn người dân để sử dụng thông qua nhiều hình thức như clip hướng dẫn trên Báo, Đài, Mạng xã hội, qua tập huấn đoàn thanh niên, Hội nông dân.... Đặc biệt, trong thời gian qua Sở đã Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng khai thác Cổng dịch vụ công cho Giáo viên dạy bộ môn Tin học tại các Trường học THCS và THPT, để hướng dẫn học sinh trong khai thác dịch vụ công trực tuyến, đây cũng là điều cốt lõi để khai thác hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;

*Hiện tại, sự sẵn sàng thích nghi với những thay đổi và chuẩn bị tâm thế cũng như nền tảng bước vào xã hội 4.0 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang được đánh giá như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức (CBCC) đạt trên 97%; 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng diện rộng. Các cơ quan trên địa bàn tỉnh đều có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Với tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt gần 70%.

Trong đợt dịch Covid thứ 4, Sở đã tham mưu trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều nền tảng công nghệ: làm việc trực tuyến, trong phòng chống dịch, cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tăng cường phát triển thương mại điện tử,… đã giúp các cơ quan, người dân, doanh nghiệp làm quen và ứng dụng công nghệ, ứng dụng tốt hơn trong công tác quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh.

Để sẵn sàng thích nghi với những thay đổi cũng như tâm thế hội nhập thì các cơ, quan đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải chủ động hòa nhập tham gia chuyển đổi số, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh nhiều hình thức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan, người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến thế hệ công dân điện tử tương lai là học sinh, sinh viên.

Khắc phục khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch

*Sau thời gian khắc phục dịch bệnh COVID-19, những ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cho công việc sản xuất và kinh doanh của tỉnh An Giang vượt qua quãng thời gian dịch bệnh như thế nào thưa ông? Chẳng hạn như việc triển khai phần mềm quản lý di biến động của công dân ra vào vùng dịch đã được áp dụng trên địa bàn như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Sau thời gian khắc phục dịch bệnh COVID-19, những ứng dụng CĐS đã giúp cho công việc sản xuất, kinh doanh của tỉnh vượt qua khó khăn, như người dân, tổ chức sử dụng mua sắm hàng trực tuyến nhiều hơn, thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên, giao dịch qua TTHC giữa CQNN và người dân cũng tăng lên.

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 lần thứ 4 này, thì Sở TT&TT đã sớm tham mưu UBND tỉnh triển khai việc quét mã QRcode tại các chốt kiểm dịch giáp ranh giữa tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận (kể cả bến đò ngang sông) thông qua quét mã bằng VHD, Ncovi, Bluezone (sau này là PC-COVID) để quản lý và phát hiện việc khai báo y tế của người dân ra/vào tỉnh để giúp kiểm soát tốt phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Việc triển khai này, có sự hỗ trợ rất lớn của các Doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như hỗ trợ miễn phí đường truyền, thiết bị phát Wifi, các bảng hướng dẫn tại các chốt kiểm dịch để người dân kết nối wifi và khai báo y tế khi qua chốt, đặc biệt tại chốt Vàm Cống và T2 của tỉnh.

Sở đã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cũng như CBCCVC-NLĐ phải thực hiện cài đặt các ứng dụng để thực hiện quét mã khi vào/ra tại đơn vị thông qua nhiều kênh như trên mạng xã hội, văn bản hướng dẫn, qua chuyên mục CĐS và Truyền thông định kỳ hàng tháng trên Đài PTTH An Giang.

*Với vị trí cơ quan nhà nước quản lý về CNTT, Sở đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi công việc lên các nền tảng số, cùng nhau vực dậy công việc kinh doanh, sản xuất sau đại dịch?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Với vai trò là cơ quan nhà nước quản lý về CNTT, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện cùng nhau vực dậy sau đại dịch như:

Kế hoạch số 524/KH-UBND ngày 20/8/2021 Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Truyền thông, đào tạo, tập huấn sử dụng sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tương tự trên, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao nhận thứcc và tích cực tham gia chuyển đổi số.

*Ở thời điểm hiện tại, với nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam, liệu có thể khẳng định được chuyển đổi số là tất yếu và là đúng thời điểm đối với mọi cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: - Tôi xin mượn lại nội dung phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng,Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Đại hội XIII của Đảng: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng”.

Do đó, việc Chuyển đổi số là tất yếu, đúng thời điểm hiện nay, Sở TT&TT tỉnh An Giang sẽ tích cực trong triển khai và thực hiện hiệu quả chủ trương này trên địa bàn tỉnh.

* Xin chân thành cảm ơn Ông!

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO