Chiêu lừa đảo chiếm đoạt tiền nhằm vào tài khoản quảng cáo Facebook

24/02/2023, 10:18

Vì một chút lơ là, chị Nguyễn Thị Hoài (Nam Định) đã bị kẻ gian lừa mất hơn 3 triệu đồng. Đáng nói, đây là một chiêu lừa mới của kẻ gian, thường nhắm đến các tài khoản quảng cáo Facebook.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, hội nhóm quảng cáo Facebook có một số người báo cáo bị lừa mất tiền tài khoản quảng cáo Facebook. Số tiền này là tiền thật có nguồn gốc từ thẻ tín dụng ngân hàng của người dùng. Và thủ đoạn lừa đảo cũng vô cùng tinh vi, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Kẻ gian sẽ sử dụng tính năng thêm người cùng quản trị số tiền trong tài khoản quảng cáo của chị Hoài để dễ dàng sử dụng về sau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoài - nạn nhân vụ lừa chia sẻ - ban đầu, kẻ gian sẽ quảng cáo một phần mềm với tính năng tăng like cho fanpage hoặc chia sẻ tệp khách hàng theo từng lĩnh vực, tất cả đều miễn phí. "Đây đều là các thông tin vô cùng hữu ích đối với những người thường xuyên chạy quảng cáo bán hàng, phủ rộng thương hiệu như tôi” - chị Hoài nói.

Vì thế, chị Hoài đã không do dự, click vào phần mềm tải xuống, giải nén và nhấn cài đặt thì ngay lập tức máy tính của chị bị nhiễm mã độc và bị chiếm quyền truy cập các trình duyệt mà không hề hay biết.

Các khoản tiền được nạp trái phép liên tục trong 1 đến 2 phút. Ảnh: NVCC.

Kẻ gian có được quyền truy cập vào trình duyệt sẽ sử dụng tài khoản Facebook đã lưu sẵn, tiến hành thêm người của chúng vào cùng quản trị số tiền trong tài khoản quảng cáo Facebook.

Tiếp tục, kẻ gian thực hiện giao dịch nạp tiền trái phép từ thẻ tín dụng đã liên kết sẵn với tài khoản quảng cáo Facebook của nạn nhân.

Vì hạn mức nạp tiền một ngày của chị Hoài có giới hạn nên kẻ gian chỉ nạp vào tổng cộng 2.600.000 đồng. Các giao dịch diễn ra rất nhanh chỉ mất 1 - 2 phút nên chị Hoài không kịp xem tin nhắn thông báo biến động số dư của ngân hàng để khóa thẻ khẩn cấp.

Sau khi đã nạp thành công, chúng sẽ đăng các ảnh khỏa thân, bạo lực trẻ em, phân biệt chủng tộc… vi phạm chính sách của Facebook để Facebook khóa, vô hiệu hóa tài khoản cá nhân của chị Hoài.

"Mục đích chúng làm như vậy để tôi không có quyền sử dụng tiền đã nạp vào trong tài khoản quảng cáo. Trong khi đó, người mà chúng thêm vào để cùng quản trị số tiền này lại hoàn toàn được quyền sử dụng" - chị Hoài cho biết.

Sau 7 ngày kháng nghị với Facebook, tài khoản cá nhân của chị Hoài đã được mở thành công. Nhưng khi truy cập vào tài khoản quảng cáo thì số tiền 2.600.000 đồng và hơn 400.000 đồng có sẵn trước đó (tổng hơn 3 triệu đồng) đã bị kẻ gian tiêu sạch.

Sau khi vào được tài khoản cá nhân và tài khoản quảng cáo thì số tiền kẻ gian đã nạp vào trước đó đã bị tiêu sạch. Ảnh: NVCC.

Mục đích của kẻ gian là sử dụng số tiền nạp vào từ thẻ tín dụng của nạn nhân tiếp tục quảng cáo phần mềm độc hại hoặc chạy quảng cáo cho người khác thu lợi bất chính mà không mất tiền (vì số tiền để chạy là của nạn nhân).

Chị Hoài cho biết thêm - đây là chiêu thức lừa mới vô cùng tinh vi, sử dụng công nghệ cao của kẻ lừa đảo. Các cơ quan điều tra rất khó xác định được kẻ gian với các thông tin cung cấp nên gần như chị Hoài đã buông xuôi hy vọng lấy lại được tiền.

Chị Hoài đưa ra lời khuyên với tất cả những ai đang sử dụng tài khoản Facebook, đặc biệt là có chạy quảng cáo, liên kết với thẻ tín dụng ngân hàng - không nên click vào các đường link hay tải xuống phần mềm lạ. Cần tìm hiểu thật kỹ trước khi hành động để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo.

Tài khoản Facebook thường dùng được gọi là tài khoản cá nhân. Trong tài khoản cá nhân sẽ có tài khoản quảng cáo. Người dùng thường liên kết sẵn tài khoản quảng cáo với thẻ tín dụng ngân hàng để tiện lợi cho việc nạp tiền, thanh toán chi phí quảng cáo mỗi khi có nhu cầu.

Khi nạp tiền từ tài khoản tín dụng ngân hàng vào tài khoản quảng cáo sẽ không cần mã OTP hay mật khẩu bảo mật. Khi đã nạp tiền vào tài khoản quảng cáo thì không rút về tài khoản ngân hàng được. Kẻ gian lợi dụng sơ hở này để chiếm quyền và nạp tiền trái phép khiến khách hàng mất tiền oan.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO