Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực Xuất bản. Ông mới có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các nhà xuất bản để bàn chiến lược phát triển ngành Xuất bản giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để đưa xu thế thời đại vào xuất bản.
Cách đọc khác đi, cách làm sách cũng phải khác đi
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, thời gian dành cho việc đọc có xu thế tăng lên nhưng thời gian đọc sách lại ít đi vì thời đại mới, có rất nhiều cách đọc: Đọc báo, đọc tạp chí, đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Trước kia sách hiếm hoi, chỉ mong có cuốn sách để đọc thì hiện tại, thị trường sách khá đa dạng và độc giả sẽ phải lựa trọn đúng quyển sách để giải quyết nhu cầu đọc của mình.
“Cách đọc khác đi, cách làm sách phải khác đi. Thời gian dành cho việc đọc ít đi. Vậy ngành xuất bản phải làm gì? Sách có nên dài hàng ngàn trang, hàng trăm trang nữa không? Có nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách? Sách điện tử có phải là lời giải không? Có khi nào người làm sách nghĩ đến việc in ấn cỡ chữ bao nhiêu, nguyên liệu in gì để đọc sách đỡ mỏi mắt?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Ceo 'hiến kế' đưa xu thế thời đại vào ngành xuất bản |
Về câu hỏi của Bộ trưởng, bà Trần Hải Ngọc - PGĐ Đinh Tị Books cho rằng cách đọc ngày càng khác đi nên cách làm sách thay đổi là cần thiết nhưng không phải việc in cỡ chữ bao nhiêu, chất liệu giấy như thế nào để phù hợp với người đọc sách thời đại mới. Bởi, với những người làm sách đó là những điều căn bản buộc phải nắm bắt được trước khi thực hiện một sản phẩm sách. Điều quan trọng là mỗi đơn vị xuất bản phải tìm ra được sự thay đổi từ cốt lõi.
Việc thay đổi từ cốt lõi phải bắt đầu với thế hệ người đọc nhỏ tuổi nhất - thế hệ 0 tuổi. Trẻ con ngày trước chỉ có duy nhất một trải nghiệm với sách, đó là đọc sách chữ hoặc sách tranh. Khi công nghệ số ồ ạt phát triển những phương tiện hiện đại vừa rẻ vừa hấp dẫn vừa dễ dàng tiếp cận đã khiến cho sách bị đưa vào tình thế phải cạnh tranh khốc liệt.
Chính vì thế, ngoài sản phẩm sách truyền thống, chúng ta phải đưa độc giả được trải nghiệm sự đọc với các giác quan khác của cơ thể. Và khi không muốn “đọc bằng đủ các giác quan khác nhau” nữa, chúng ta vẫn có thể đọc cuốn sách đó theo cách thông thường nhất, truyền thống nhất như cách bao đời nay mà ta đã từng trải nghiệm là bằng mắt.
“Chúng tôi không thay đổi cách đọc, chúng tôi tăng thêm sự lựa chọn tiếp cận thông tin cho người đọc trên chính sản phẩm đó mà không cần có sự hỗ trợ của một sản phẩm đi kèm nào khác. Đó là cách mà chúng tôi làm”, bà Ngọc khẳng định.
Năm 2020 - dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng khiến nhiều hệ thống cửa hàng sách phải tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động vì giãn cách xã hội. Sự kiện này một lần nữa thúc đẩy việc thay đổi phương thức xuất bản sách theo hướng số hóa. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Tuân - CEO Công ty VH&TT 1980 Books rất đồng tình quan điểm của Bộ trưởng về việc nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách.
“Xuất bản đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Nhà xuất bản cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số. Những thói quen mới của độc giả như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và VRBook (sách công nghệ thực tế ảo) buộc các NXB phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu”, ông Nguyễn Văn Tuân nêu quan điểm.
Người làm sách trong giai đoạn này không chỉ phải tự làm mới mình cho phù hợp với thời đại công nghệ số, phải thay đổi sản phẩm để tăng hiệu quả bán hàng mà còn phải chiến đấu với vấn nạn sách lậu đã tồn tại hàng chục năm nay ở Việt Nam gây thiệt hại quá lớn đối với các đơn vị xuất bản, các tác giả, các đối tác. Thế nhưng, vấn nạn này vẫn chưa có cách giải quyết căn bản, dứt điểm.
Xây dựng tư duy kiến tạo tri thức
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà cho rằng cách đọc ngày càng khác đi, nhu cầu và thái độ của bạn đọc đối với sách điện tử đang chuyển biến tích cực nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển, khiến các đơn vị xuất bản nản lòng. Sách điện tử bị vi phạm bản quyền trắng trợn, cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ, phát tán trên nhiều diễn đàn khiến thị trường sách điện tử mới manh nha lại dường như đi vào ngõ cụt.
“Đưa xu thế thời đại vào xuất bản, làm sách khác đi, áp dụng công nghệ tiên tiến thì đi kèm với đó phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, phải có cơ chế chấm dứt hay ít nhất là giảm đi nạn sách lậu”, ông Hùng bày tỏ.
“Xuất bản điện tử là vấn đề ngành cần tập trung trong thời gian tới, cần tạo điều kiện để các Nhà xuất bản tham gia sân chơi này. Với sự phát triển của các công cụ như smart-phone, máy tính bảng. Ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, cơ chê, hành lang pháp lý... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới”, ông Nguyễn Văn Tuân nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại có lẽ là sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. “Vậy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản là thế nào? Nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng số (digital platform) để người đọc trở thành người viết không?
Để việc xuất bản trở nên nhanh chóng, hiệu quả, trong đó có mục tiêu rút ngắn quá trình xuất bản, đẩy nhanh việc chuyển đổi một sản phẩm từ sách thông thường trở thành các dạng sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng độc giả khác nhau, theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị xuất bản cần phải xây dựng tư duy kiến tạo tri thức bao gồm: Tư duy văn hóa, tri thức; Tư duy số và những ứng dụng hiện đại.
“Tư duy “kiến tạo”: là việc hình thành những không gian/hệ sinh thái cho việc phát triển tri thức. Nuôi dưỡng môi trường tri thức (nhà sách, thư viện, các giải thưởng, các sự kiện/hội thảo…) là cách thức nuôi dưỡng và phát triển tác giả, tác phẩm nói riêng và ngành sách nói chung. Cục Xuất bản cần chuyển dịch từ vai trò thiên về giám sát/kiểm soát (trùng với công việc của Ban Tư tưởng/Ban tuyên giáo) sang Cục Xuất bản có tư duy “kiến tạo”: kiến tạo không gian mới cho ngành xuất bản, kiến tạo các cơ chế mới cho các đơn vị/tác giả/cá nhân…
Cục xuất bản cần xây dựng cơ chế mới, tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại cho quá trình quản lý hoạt động xuất bản như: Hình thành các liên minh, đối tác chiến lược giữa tư nhân và nhà nước… Sử dụng công nghệ và các ứng dụng kiểm duyệt, cấp phép tự động, hiện đại để tốc độ xử lý nhanh hơn và chi phí thấp hơn… Sáng tạo và phát triển những thang đo về chỉ số “tri thức” như các chỉ số năng lực cạnh tranh để đánh giá các địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động xuất bản và tri thức”, ông Bình nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO của Saigon Books cho rằng, ngành sách hiện nay đang tích cực cho việc chuyển đổi số thì việc các đơn vị xuất bản xây dựng đang xây dựng platform phục vụ cho việc kinh doanh là điều cần thiết. Tức là việc bạn mua một cuốn sách giấy, mua một cuốn ebook, audio book đều có thể diễn ra trên nền tảng platform của doanh nghiệp.
Khi bạn tạo ra một platfrom về bán hàng, để khách hàng quen với việc mua sách trên platform đó, để họ đồng ý tải app (ứng dụng) của bạn về, sử dụng và đồng ý trả tiền… là hành trình rất dài không dễ gì thuyết phục.
“Với sự phát triển của các công cụ như smart-phone, máy tính bảng. Ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới”, ông Nguyễn Văn Tuân nêu quan điểm.
Tình Lê