Công an tỉnh Bình Dương vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Đăng Hòa (sinh năm 1998; thường trú ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đối tượng Hòa thường tìm mua các tài khoản ngân hàng, tạo tài khoản Facebook, Zalo không chính chủ sau đó đăng bài bán xe mô tô với giá rẻ hơn thị trường để thu hút khách hàng. Tháng 01/2022, ông S.N.H (Lai Uyên, Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) có nhu cầu mua xe mô tô nên lên Facebook tìm kiếm. Ông S.N.H thấy bài đăng của đối tượng Hòa bán xe Honda SH với giá 25 triệu đồng nên đã nhắn tin hỏi mua. Sau khi nhắn tin trao đổi, ông S.N.H và Hòa thống nhất hình thức giao dịch thông qua chuyển khoản ngân hàng, sau đó Hòa sẽ gửi xe mô tô đến địa chỉ của ông S.N.H.
Đối tượng Hòa sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ đã mua trước đó để nhận tiền từ ông S.N.H, sau khi nhận được 25 triệu đồng, Hòa chặn hết liên lạc từ ông S.N.H, chiếm đoạt số tiền 25 triệu đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Khi bị bắt giữ, tại Cơ quan Công an đối tượng Hòa khai nhận đã thực hiện trót lọt 6 vụ chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng. Với cách lừa đảo này đối tượng Hòa đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo trên toàn quốc với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 4 tỷ đồng.
Chị N.T.A (sinh năm 1987, trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do thất nghiệp nên lên mạng xã hội facebook để tìm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên các sàn thương mại, chị A đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán 4 đơn hàng, chị A nhận được số tiền hoa hồng hơn 1 triệu đồng. Từ nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị A đã chuyển gần 300 triệu đồng nhưng không nhận được tiền. Biết mình bị lừa, chị A đã đến cơ quan Công an trình báo.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, chỉ trong 10 tháng năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận) gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ đồng. Qua công tác theo dõi, đấu tranh, Phòng nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến như giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo như bị ghi hình phạt nguội vi phạm trật tự giao thông đường bộ, gây tai nạn bỏ chạy, phục vụ điều tra... làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng cung cấp. Đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại...
Trong đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online phổ biến nhất, thường được các đối tượng sử dụng để thu hút, tiếp cận và chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã đánh trúng vào đặc điểm tâm lý của nhiều người là muốn kiếm tiền nhanh chóng, dễ dàng, mà chỉ cần sử dụng điện thoại di động, nhất là đối với những người làm việc theo thời vụ, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Thủ đoạn cụ thể của đối tượng đó là mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…) tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số… theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%. Sau khi tạo dựng niềm tin cho bị hại bằng một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán hoa hồng đầy đủ, chúng yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn. Khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn… dẫn đến bị khóa tài khoản và yêu cầu bị hại chuyển thêm nhiều lần tiền để bảo lãnh, xác minh tài khoản hoặc đóng thuế thu nhập cá nhân… thì mới rút lại tiền gốc và lãi. Đối tượng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.
Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, người dân tới trình báo đều đã có những tổn thất về tài sản từ vài chục triệu đồng tới hàng tỷ đồng. Hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt lên đến 20 năm tù.
Để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... Không cho bất kỳ ai không quen biết đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường.
Cơ quan Công an, cơ quan nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc Cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua Công an địa phương; không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh; không gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.
Khi gặp các vụ việc có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo trên không gian mạng, đề nghị người dân trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; đồng thời thường xuyên chia sẻ, cảnh báo người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.