Cẩn trọng với lời khuyên về tài chính trên mạng xã hội

08/04/2022, 10:11

Nhiều chuyên gia tài chính trên mạng xã hội liên tục chia sẻ cách làm giàu nhanh chóng, một vốn bốn lời, nhưng người xem cần cảnh giác.

Mạng xã hội ngập tràn những lời khuyên về đầu tư sinh lời. Reddit có đầy đủ các mẹo về chứng khoán. Instagram có nhiều trang chia sẻ cách tiết kiệm và lập ngân sách. Trên TikTok, hashtag #FinTok thu hút hơn 400 triệu lượt xem, #stocktock có 1,4 tỷ lượt xem, #crypto 4,38 tỷ, #cryptocurrency 1,68 tỷ và #moneytok 11,8 tỷ.

Trên các nền tảng mạng xã hội này, những người hay đưa lời khuyên về đầu tư tài chính được gọi là finfluencer, ghép từ financial (tài chính) và influencer (người có ảnh hưởng). Cũng như beauty influencer (người chia sẻ mẹo làm đẹp) nói về thói quen trang điểm, chăm sóc da, lựa chọn mỹ phẩm, finfluencer nói về cách chi tiêu thông minh hoặc quan điểm cá nhân về thị trường chứng khoán.

Cuộc khảo sát về thái độ của người trẻ và kinh nghiệm liên quan đến tiền bạc, tài chính, giáo dục và an ninh kinh tế của Australia năm 2021 cho thấy 25% thanh niên của nước này theo dõi ít nhất một finfluencer.

Khảo sát cùng năm của Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia (ASIC) cho thấy một phần ba số người từ 18 đến 21 tuổi theo dõi một người trên mạng xã hội. Trong đó 64% nói rằng đã thay đổi hành vi khi xem chia sẻ của finfluencer, cả tích cực và tiêu cực.

Các finfluencer gia tăng sau đại dịch để chia sẻ về tài chính, chứng khoán, cách làm giàu, nhưng không có thông tin kiểm chứng. Ảnh: Ivan Samkov

Tiến sĩ Angel Zhong, giảng viên cao cấp về tài chính tại Đại học RMIT cho biết finfluencer trở nên nổi tiếng từ năm 2020, khi nhiều người trẻ lần đầu tìm đến thị trường chứng khoán trong đại dịch.

Zhong nhận định, nhóm người này rất dễ thành công vì lấp đầy mảng thiếu hụt về khái niệm tài chính, đầu tư, thu hút người xem bằng khả năng thuyết trình hấp dẫn và miễn phí. Không giống như các cố vấn tài chính hay các khóa đào tạo khô khan, tốn kém.

Nhưng nhược điểm của finfluencer là không được đào tạo, không được cấp phép để đưa ra lời khuyên, thậm chí chia sẻ thông tin không kiểm chứng. Trong khi nghề cố vấn tài chính cần trải qua quá trình đào tạo chuyên môn, có giấy phép hành nghề, buộc phải chịu trách nhiệm về phát ngôn.

Queenie Tan là một finfluencer nổi tiếng trên TikTok, chuyên cung cấp các lời khuyên về tài chính. Các bài đăng và video của cô thu hút 15.000 người theo dõi trên Instagram và 42.000 người trên TikTok. Cô gái 24 tuổi ở Sydney tự tin chia sẻ mọi chủ đề về tài chính, từ ý tưởng hẹn hò giá rẻ, mua đồ nội thất, mẹo tiết kiệm 100.000 USD đầu tiên, cách đầu tư vào tiền ảo Dogecoin. Nhưng hiểu biết về tài chính của Queenie rất mỏng. Chỉ với kinh nghiệm tiết kiệm 265.000 USD tài sản trong 5 năm, cùng vẻ ngoài nổi trội và hoạt ngôn, cô dễ dàng gia nhập hàng ngũ finfluencers.

Stephen Chen, người California (Mỹ), một cựu giáo viên toán cũng trở thành "chuyên gia tài chính" với gần 780.000 người theo dõi trên TikTok, khi nói về cách làm giàu nhanh chóng.

Sarah Coles, nhà phân tích tài chính, công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, Anh, cho biết các nền tảng trực tuyến là luôn có hai mặt. Ngoài những thông tin hữu ích từ chuyên gia, vẫn còn những người không được đào tạo, tự do diễn thuyết.

Nền tảng giao dịch tiền điện tử Plaxful đã phân tích 1.212 video từ 50 tài khoản TikTok nói về chủ đề tài chính, từng phổ biến trong năm 2020. Có 14% số video trong đó bị xếp loại "gây hiểu lầm", bao gồm việc cung cấp các thông tin không kiểm chứng, khuyến khích người dùng mua các tài sản cụ thể và ngụ ý một khoản đầu tư đảm bảo có lợi nhuận.

Tiến sĩ Zhong khuyên người dùng mạng nên kiểm tra kỹ digital footprint (dấu vết điện tử) của các finfluencer trước khi đặt niềm tin. Hành động bao gồm việc tra cứu tiểu sử của người chia sẻ, kiến thức, kinh nghiệm và có hợp tác với các trang web uy tín không. Trong trường hợp "chuyên gia ảo" liên tục đề xuất về một sản phẩm, cổ phiếu nên đầu tư; Liên kết với các sản phẩm cụ thể; Khẳng định về các cách thức đầu tư mang lợi nhuận cao... hãy cảnh giác.

"Đừng cho rằng sự nổi tiếng tương đương với độ tin cậy", tiến sĩ Zhong cảnh báo.

Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia từ tháng 3/2020 đến nay ghi nhận sự gia tăng các đơn khiếu nại về lời khuyên tài chính không được cấp phép. Cơ quan này bày tỏ quan ngại và đang thực hiện một loạt các quy tắc giới hạn khi chia sẻ lời khuyên tiền bạc trên nền tảng trực tuyến.

Theo đó, các finfluencer không được phép cho lời khuyên về sản phẩm tài chính, quảng bá liên kết đến sản phẩm, dễ gây hiểu lầm và lừa dối mọi người (ngay cả khi họ không cố ý). Họ được quyền đưa lời khuyên trung lập về tiết kiệm, lập ngân sách và mô tả sản phẩm tài chính. Tức là được giải thích cách hoạt động, vận hành của cổ phiếu hoặc quỹ giáo dục trao đổi thay vì định hướng.

Nếu bị phát hiện đưa ra các lời khuyên tài chính không có trong quy định được ASIC cho phép phát ngôn, họ có thể phải bị phạt tiền và 5 năm tù giam.

Trước thực trạng nhiễu loạn thông tin, các chuyên gia tài chính chỉ ra ba quy tắc cốt lõi để thành người đầu tư thông thái:

Đầu tiên, đừng cho rằng finfluencer có số lượng người theo dõi lớn là đáng tin. Mức độ phổ biến không bằng độ tin cậy và trình độ học vấn. Bạn không cần bằng cấp để trở nên giàu có, nhưng cần có bằng chứng để khẳng định bản thân là người đáng để lắng nghe.

Thứ hai, tại sao finfluencer chia sẻ bí mật miễn phí? Nếu họ thực sự có một số chiến lược đánh bại thị trường, tại sao lại lên mạng xã hội chia sẻ thay vì tự làm giàu? Bất kỳ ai giới thiệu một cổ phiếu hoặc sản phẩm hoặc chiến lược cụ thể, hãy đặt nghi vấn.

Thứ ba, cảnh giác với tất cả các quảng cáo kế hoạch làm giàu nhanh chóng bởi dễ gặp những rủi ro khi không tìm hiểu kỹ thông tin.

Minh Phương(Theo ABC News, Guardian, Conversation)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO