Cẩn trọng những chiêu trò lừa đảo tinh vi dịp Tết Nguyên Đán

29/01/2022, 09:37

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, đây là thời điểm các vấn nạn lừa đảo, đặc biệt trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cảnh báo người dân cần lưu ý để tránh rơi vào bẫy lừa của các đối tượng xấu.

Giả mạo website, fanpage để lừa đảo

Những ngày này, người dân về quê đón Tết nên nhu cầu đi lại từ các tỉnh/thành lớn trên cả nước ngày càng tăng. Nhiều đối tượng có thể giả mạo trang web, fanpage của các hãng tàu hỏa, máy bay, xe bus... để bán vé giả. 

Trước tình trạng này, mọi người nên mua vé tại văn phòng các hãng xe uy tín, bến xe trung tâm để tránh bị lừa đảo. Trong trường hợp không thể ra bến xe để mua trực tiếp, có thể linh hoạt đặt vé online; tuy nhiên, cần lựa chọn những đơn vị bán vé xe Tết uy tín. 

Lừa đảo qua các loại hình đầu tư đa cấp, tiền ảo

Dịp lễ Tết chính là cơ hội cho những kẻ gian “nắm thóp” tâm lý người dân muốn kiếm tiền nhanh chóng. Các đối tượng thường lừa đảo qua loại hình đầu tư đa cấp, sàn nhị phân, tiền ảo... để “lùa gà”, sau đó biến mất.

Lừa đảo qua các hình thức đầu tư kiểu đa cấp. Ảnh: Đ.T.

Chiêu thức là mở sàn, rồi tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư, và mời gọi nhà đầu tư ở nhiều tỉnh thành với những ngôn từ nghe rất “bắt tai” như bảo đảm đầu tư hợp pháp, cam kết lợi nhuận mỗi tuần cao...

Mạo danh sàn thương mại điện tử 

Kẻ gian sẽ mạo danh là nhân viên của sàn thương mại điện tử, yêu cầu thu hồi sản phẩm mà khách hàng đã đặt trước đó và hoàn tiền gấp 3 lần; tuy nhiên, bạn cần phải bấm vào liên kết và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Nếu người dùng làm theo, tiền trong tài khoản sẽ ngay lập tức biến mất.

Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác là thông báo bạn đã trúng thưởng khi mua sắm trực tuyến. Nội dung tin nhắn sẽ bao gồm một liên kết giả mạo, yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng/tài khoản Internet Banking (bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu và OTP).

Chiếm đoạt số điện thoại 

Thời gian gần đây, một số ngân hàng HSBC, VPBank,… đưa ra lời cảnh báo về các cuộc gọi nâng cấp miễn phí SIM 4G hoặc 5G. Đây là phương thức, thủ đoạn mà những kẻ lừa đảo thường sử dụng nhằm chiếm quyền sử dụng SIM và lấy tiền trong tài khoản của khách hàng.

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ gồm ngân hàng và công ty viễn thông. Không cung cấp mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Đặc biệt trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, khách hàng cần báo ngay với nhà mạng, ngân hàng và công an để có phương án xử lý kịp thời.

Lừa đảo qua thông báo trúng thưởng, tuyển dụng

Đánh vào sự nhẹ dạ của người dùng và quá tin tưởng vào mạng xã hội, các đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân, tiền bạc, tài sản,... thông qua email, tin nhắn văn bản SMS, hay nhắn tin qua mạng xã hội; bằng cách thông báo trúng thưởng, bán xe máy giá rẻ,... rồi dụ nạn nhân vào các đường dẫn link độc hại giả gần giống với ngân hàng, ví điện điện tử hoặc xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị.

Lừa đảo trúng thưởng là chiêu trò phổ biến của kẻ xấu dịp Tết. Ảnh: T.L.

Ngoài ra, cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ thường tăng cao. Lợi dụng tâm lý tranh thủ kiếm thêm thu nhập dịp Tết, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu trò tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” để dụ nhiều người sập bẫy.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, tài sản cá nhân trên môi trường mạng, người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo, luôn cân nhắc trước khi click vào bất kỳ link nào; thiết lập an toàn cho các loại tài khoản bằng cách đặt mật khẩu đủ khó đủ dài, sử dụng bảo mật 2 lớp gửi đến tin nhắn điện thoại hoặc tốt hơn là qua Google Authenticator, email, mã OTP...; gọi điện thoại tới tổ chức, công ty, hay ngân hàng mà bạn đang sử dụng khi nhận được bất kỳ tin nhắn nào khả nghi và không rõ để có thể giúp xác nhận thông tin.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO