Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành đô thị tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2045

05/11/2021, 10:57

Đến năm 2045, Cần Thơ là đô thị văn minh, hiện đại, tiến kịp trình độ phát triển của các đô thị tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại hội nghị. 

Mục tiêu này được đề cập tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020 (thành phố Cần Thơ) do Thành ủy Cần Thơ tổ chức chiều 4/11.

Theo báo cáo, để đạt được mục tiêu, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến, tăng năng suất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, có khả năng cạnh tranh, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, thành phố thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh... trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; giữ vững vai trò địa bàn trọng điểm, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thời kỳ 2020 - 2025 sẽ tăng bình quân 7,5 - 8% và 2025 - 2030 tăng bình quân 8 - 8,5%/năm, nâng tỷ trọng đóng góp vào GRDP cả nước đạt khoảng 2% vào năm 2020. Trong đó, GRDP bình quân đầu người năm 2025 của Cần Thơ sẽ đạt 140 triệu đồng và năm 2030 là trên 200 triệu đồng.

Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025, lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 6%, công nghiệp - xây dựng 35% và dịch vụ chiếm 60%. Đến năm 2030, lĩnh vực dịch vụ sẽ chiếm 61%, công nghiệp - xây dựng là 34% còn nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục giảm, chỉ còn 4%.

Tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán giao (thu nội địa và thu thuế Hải quan) tăng bình quân 7,25 %/năm cho giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đến năm 2030 dự kiến đạt 22.793 tỷ đồng.

Cần Thơ cũng đặt mục tiêu duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong top 10 cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt khoảng 4 - 5% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Trong 10 năm tới, tại Cần Thơ sẽ hình thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và từ Cần Thơ đến các tỉnh trong vùng, từ Cần Thơ đến biên giới Campuchia qua Châu Đốc. Mở mới các tuyến nội địa, tuyến quốc tế để khai thác hiệu quả Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Cần Thơ đảm bảo cho một đô thị sinh thái sông nước văn minh, hiện đại, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê kông.

Đến năm 2045, thành phố Cần Thơ là đô thị văn minh, hiện đại, tiến kịp trình độ phát triển của các đô thị tiên tiến trong khu vực ASEAN, trong đó có một số mặt nổi trội, đặc trưng về mặt nước, khoảng xanh và môi trường; là thành phố an toàn, thanh binh, cộng đồng dân cư chung sống gắn kết hài hòa, bình đẳng và thân thiện, trật tự an toàn xã hội tốt, quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Kinh tế của Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao theo hướng tăng trưởng xanh và trên cả ba trụ cột: Kinh tế - xã hội và môi trường trong mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục giữ vững vai trò đô thị hạt nhân, động lực thật sự thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Hướng đến xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đạt mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đã đề ra, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề nghị Đảng bộ thành phố tiếp thu, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 tại thành phố Cần Thơ; trong đó, tập trung tham mưu kiến nghị Trung ương Đảng, Bộ Chính trị những định hướng, giải pháp để ban hành nghị quyết mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ để phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ; tham mưu Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ; xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị Đảng bộ thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cùng với đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định thành phố Cần Thơ có vai trò quan trọng, với trọng trách “là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng”...

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO