Cách 'cai nghiện' mạng xã hội

04/02/2022, 09:41

Nhận ra mạng xã hội đang kiểm soát tâm lý con người, nhiều người trẻ tìm đến những phương pháp "giải độc" khỏi các ứng dụng để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống thực.

Facebook, TikTok, YouTube… đang trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều người. Tại Mỹ, nghiên cứu của hãng Nielsen cho thấy trung bình một người Mỹ sẽ dành khoảng 11 giờ để nghe, xem, đọc hoặc tương tác trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, tình trạng lan truyền tin giả cũng tồi tệ hơn. Điều đó dẫn tới trào lưu “Social media detox” (tạm dịch: giải độc mạng xã hội), giúp các bạn trẻ chủ động kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ để tập trung vào những tương tác ngoài đời thực. Mục đích của phương pháp này là để con người giảm bớt những căng thẳng, những buồn phiền vô cớ khi tiếp xúc với các thế giới số.

Mạng xã hội đang chiếm giữ quá nhiều thời gian và dường như đang kiểm soát cả tâm trí và hành vi của con người. Ảnh: The Verge.

Một khảo sát của công ty GWI vào năm 2021 cũng chỉ ra nhiều người ở mọi độ tuổi khác nhau đang tìm cách để giảm thiểu thời gian dành cho mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. 25% người thuộc Gen Z và 23% người thuộc Gen Y được khảo sát chia sẻ rằng để chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình họ chọn cách hạn chế truy cập vào các ứng dụng này.

Nhưng “không phải mọi khoảng thời gian dành cho mạng xã hội là vô bổ”, khảo sát của một nhóm nghiên cứu sinh trường Đại học Pisa (Italy) nhận định. Việc dùng Twitter để giao tiếp, chia sẻ với bạn bè đương nhiên sẽ ý nghĩa hơn nhiều với việc dành hàng giờ để lướt Facebook và so sánh hơn thua với người khác.

Vì vậy, để “detox” mạng xã hội trở nên hiệu quả, thay vì tìm cách “cai nghiện”, hãy sử dụng chúng một cách có kiểm soát.

Dùng Facebook, nên nói không với tiêu cực

Theo Becca Caddy, tác giả của cuốn sách Screen Time: How to Make Peace With Your Devices and Find Your Techquilibrium, cách tốt nhất là hãy xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại và chỉ sử dụng mạng xã hội này trên nền tảng máy tính.

Điều này sẽ giúp người dùng giảm bớt thời gian lang thang vô ích trên newsfeed chỉ để xem memes (ảnh chế hài hước) và tin rác, chưa được kiểm duyệt trên Facebook. Ngoài ra, bạn trẻ còn có thể sử dụng tiện ích “News Feed Eradicator” trên Chrome để ẩn hoàn toàn trang chủ và chỉ hiển thị những câu trích dẫn hay, truyền cảm hứng.

Dùng TikTok, nên biết điểm dừng

TikTok có thể được ví như “một chiếc động không đáy”. Có thể lúc đầu người dùng chỉ định dành ra 5 phút để xem video về chó, mèo, nhưng sau đó họ hoàn toàn có thể “ngốn” hàng giờ đồng hồ chỉ để kéo lướt xem thêm video ở dưới. "Vì thế, giới hạn thời gian sử dụng chính là phương pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát hành vi sử dụng", Becca Caddy cho biết.

Truy cập vào ứng dụng TikTok, trong phần "Chung" (General), người dùng có thể vào phần “Sức khỏe Kỹ thuật số” (Digital Wellbeing) và chọn mục “Quản lý thời gian sử dụng màn hình” (Screen Time management).

Sau đó, người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn mức thời gian sử dụng mình mong muốn như 40, 60, 90 hoặc 120 phút/ngày. Khi hết thời gian, một màn hình hiển thị mật mã sẽ hiện ra, nhắc nhở người dùng phải ngừng lướt TikTok.

Với tính năng này, người trẻ sẽ không lo xem TikTok quên cả thời gian nữa.

Dùng YouTube, đừng bị thuật toán đánh lừa

Lời khuyên của trang The Guardian là hãy xóa ứng dụng YouTube ra khỏi điện thoại và chỉ sử dụng ứng dụng này trên máy tính. Sau đó, người dùng có thể sử dụng tiện ích “Improve YouTube” trên Chrome để tối ưu hóa giao diện YouTube của mình.

Trong đó, tiện ích này sẽ ẩn phần “Video liên quan”. Tính năng này thoạt nhìn có vẻ tiện dụng nhưng lại “ngốn” thời gian không tưởng vì người dùng sẽ liên tục xem các video được thuật toán của mạng xã hội này đề xuất.

Dùng Instagram, bạn nên ngừng quan tâm đến lượt thích

Instagram là ứng dụng mà giới trẻ dễ dàng thấy được số lượt thích trên bài đăng của mình hoặc bài viết của người khác. Tuy nhiên, theo tác giả Becca Caddy, nhiều người dùng cảm thấy thất vọng mỗi khi đăng ảnh hay video nào đó lên Instagram mà số lượt “yêu thích” quá ít hoặc áp lực khi thấy tin của người khác có quá nhiều lượt “like”.

Do đó, người trẻ có thể ẩn người đã nhấn thích ảnh hoặc video mà mình đã đăng để thoát khỏi những bận tâm vô ích về ứng dụng này. Chỉ cần chọn vào dấu 3 chấm trên góc phải màn hình, bấm vào tùy chọn “Ẩn lượt thích”, bạn bè sẽ không còn nhìn thấy được số lượt like trên bài post của bạn trẻ. Hoặc vào phần “Cài đặt” (Settings), chọn mục “Quyền riêng tư” (Privacy). Tại phần “Bài viết” (Post), gạt thanh công cụ “Ẩn lượt thích và lượt xem”.

Giờ đây, khi bạn nhấn vào phần những người đã thích bài viết, ứng dụng chỉ hiển thị lượt thích thay vì danh sách những tài khoản như trước đây.

Ẩn danh trên Messenger

Hiện nay, ứng dụng Messenger đã hỗ trợ tính năng ẩn trạng thái hoạt động. Chọn ẩn hoạt động tức là người dùng sẽ tắt chấm xanh trên Messenger vì trạng thái này sẽ được biểu thị bằng một dấu chấm màu xanh lục. Mặt khác, bạn cũng không thể nhìn thấy danh sách những ai đang trực tuyến hoặc ai cũng đang ẩn giống như mình.

Vì vậy, nếu không muốn bị làm phiền bởi các tin nhắn dồn dập cùng một lúc người dùng có thể nhấn vào ảnh đại diện ở góc trên bên trái, sau đó bấm vào tùy chọn “Trạng thái hoạt động” (Active Status) và tắt tính năng "Hiển thị khi bạn hoạt động".

Kiểm soát thông báo

Bị thu hút bởi những thông báo nhảm nhí, không quan trọng là một việc xảy ra thường xuyên với người dùng smartphone, từ thông báo mã giảm giá của các sàn thương mại điện tử đến thông báo lượt thích bài viết của một người xa lạ, chẳng đáng bận tâm, tờ Guardian nhận định.

Vậy nên để “detox” mạng xã hội hiệu quả, người dùng nên chọn lọc những thông tin hiển thị trên mục thông báo. Mặt khác, 89% những sao nhãng gây ra bởi điện thoại là bởi thói quen kiểm tra của người dùng chứ không hẳn là do bản thân thông báo. Vậy nên việc ẩn thông báo chỉ có hiệu quả nhất định. Quan trọng là bạn nên kiểm soát thói quen của mình.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO