Các sàn phải chịu trách nhiệm nhất định trước tình trạng hàng giả hàng nhái

04/05/2022, 17:37

Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong thương mại điện tử nói riêng. Để giải quyết vấn nạn này cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành; đồng thời đưa ra các khung pháp lý cơ chế chính sách phù hợp...

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Còn Google, Temasek và Bain & Company dự báo, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "Á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD…

Tại đối thoại chuyên đề “chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử” do Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức ngày 4/5/2022, ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò cho rằng, các sàn phải chịu trách nhiệm nhất định trước tình trạng hàng giả hàng nhái.

GIẢM BỚT, DẦN TIẾN TỚI XÓA BỎ HÀNG GIẢ HÀNG NHÁI

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường kinh doanh online nói chung và sàn thương mại điện tử nói riêng nói chung đã và đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cũng như các sàn.

Theo các chuyên gia, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua xảy ra tăng rõ rệt. Thực tế cho thấy, các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng không đúng như quảng cáo, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo, nhưng khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại rất khác, hoặc không đúng như quảng cáo, có thể sản phẩm kém chất lượng tuy có hình thức và chứng thực là sản phẩm chính hãng nhưng đã qua sử dụng, sản phẩm đã được sửa chữa, qua thời gian trưng bày, không đám bảo tính mới như nguyên bản.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm: "chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử".

Thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Nhìn nhận về thực trạng này tại đối thoại chuyên đề “chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử”, ông Vũ Anh khẳng định, hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong thương mại điện tử nói riêng.

Thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì vậy các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.

Ông Vũ Anh 

Để kiểm soát hàng giả hàng nhái, đại diện Voso cho biết, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, chúng tôi có các công cụ như eKYC, có chứng minh thư nhưng vẫn phải chụp ảnh… xác minh thông tin từ người bán.

Đối với vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa, các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa. Ở Viettel Post cũng như sàn Voso đã có các hoạt động liên kết như vậy.

“Mặc dù chưa thể cải thiện hoàn toàn 100% không có tình trạng hàng giả hàng nhái trên sàn nhưng các hoạt động này sẽ là hình thức góp phần làm giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng”, đại diện Voso nhận xét.

SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XÁC ĐỊNH NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ SỐ 1

Là đơn vị làm sàn thương mại điện tử nhưng đồng thời Viettel Post cũng là đơn vị vận chuyển. Do đó, trong quá trình làm vận chuyển đơn hàng, đơn vị này đã và đang áp dụng các giải pháp công nghệ. Theo đó, trên mỗi hành trình đơn hàng đều có thông tin, đưa qua Zalo, SMS. Người mua hàng sẽ luôn luôn được cập nhật trạng thái đơn hàng đang ở đâu, như thế nào. Đơn vị này cũng cho biết cập nhật thêm một số chức năng như cuộc gọi tự động (nhắc khách hàng đơn hàng sắp đến…), giúp khách hàng check đơn hàng.

Ngoài ra, Voso cũng phối hợp và áp dụng giải pháp công nghệ truy suất nguồn gốc… Các giải pháp này giúp khách hàng cập nhật thông tin đơn hàng một cách chính xác, có thể cheking được chất lượng một số mặt hàng cũng như nguồn gốc sản phẩm.

Với sàn thương mại điện tử Voso xác định coi người tiêu dùng là số 1. Khi nhận được khiếu nại của khách hàng về việc hàng hóa có vấn đề, sàn sẽ tiếp nhận khiếu nại về hàng hóa, vận chuyển. Nếu khiếu nại liên quan đến vận chuyển, sàn sẽ xử lý. Còn với những khiếu nại liên quan đến hàng hóa, sàn sẽ làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để xác định rõ nguồn gốc vấn đề xuất phát từ đâu.

Thực tế trong quá trình mua bán hàng hóa trên mạng có thể xảy ra tình trạng do chất lượng sản phẩm nhưng cũng có thể do quá trình bảo quản, vận chuyển gây ra chứ không do người bán.

Trước đây chúng tôi đã có tuyên ngôn: nếu có tình trạng hàng giả hàng nhái thì Voso sẽ trực tiếp đứng ra đền bù trước, sau đó mới kiểm tra xem đơn vị nào chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Bây giờ, chúng tôi vẫn làm vậy.

Quan điểm của chúng tôi coi người tiêu dùng là số 1 và sẽ chịu trách nhiệm trước; đồng thời phối hợp với các bên (bán và người tiêu dùng) để đưa ra giải pháp phù hợp nhất trên cơ sở luôn chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng, ông Vũ Anh nói.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO