Tấn công chuỗi cung ứng (supply chain attack) là hình thức tấn công mạng nhắm vào một doanh nghiệp thông qua các nhà cung cấp của doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng càng lớn hoặc phức tạp, nguy cơ bị tấn công càng cao. Hậu quả rất đa dạng, từ rò rỉ thông tin, xáo trộn hoặc gián đoạn hoạt động kinh doanh, doanh thu giảm sút, cho đến ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, mất cơ hội được đầu tư...
Tấn công mạng vào chuỗi cung ứng đang trở thành xu hướng. Hồi cuối năm ngoái, các chuyên gia Bkav đã dự báo tấn công chuỗi cung ứng tiếp tục là xu hướng phổ biến và là mục tiêu lý tưởng của hacker trong năm 2022.
Nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc tấn công chuỗi cung ứng là do sự bảo mật lỏng lẻo ở quy trình vận hành, hợp tác giữa các bên. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cho phép các nhà cung ứng tiếp cận với thông tin “nhạy cảm”, mà chính những thông tin đó có thể gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp khi bị lộ ra ngoài. Một nhà cung cấp bị khai thác có thể ảnh hướng rộng lớn đến các đối tác.
Những năm gần đây, tấn công chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa:dzone.com) |
Trong bài viết mới đây về sự gia tăng các cuộc tấn công mạng vào chuỗi cung ứng, ông Jonathan E. Savoir, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Quincus, doanh nghiệp giải pháp phần mềm chuyên giải quyết các thách thức trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, cho biết: Việc quản trị chuỗi cung ứng đang bị đe dọa bởi các cuộc tấn công mạng. Theo dự đoán của Gartner, đến năm 2025, có tới 45% các tổ chức trên toàn thế giới gặp phải những cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng phần mềm của họ, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.
Hơn 30.000 tổ chức trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng SolarWinds vào năm 2020. Một kẻ tấn công tài trợ đã chèn mã độc vào phần mềm Orion của SolarWinds, phần mềm được cài đặt bởi các công ty lớn trên toàn cầu cũng như các tổ chức quốc gia và đa quốc gia, mở ra một “cửa hậu” cho những kẻ xâm nhập mà không bị phát hiện trong vài tháng.
Tại các nước, những rủi ro chuỗi cung ứng đã trở thành mối quan tâm về an ninh quốc gia. Đơn cử như, tại Anh, Trung tâm An ninh mạng quốc gia đã cung cấp một loạt các hỗ trợ để giúp các tổ chức đánh giá rủi ro bảo mật của các nhà cung cấp. Tương tự, Trung tâm an ninh mạng Úc cũng đã ban hành hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc xác định và quản lý các rủi ro an ninh mạng trong chuỗi cung ứng.
Nhấn mạnh đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng ngày càng trở nên quan trọng, ông Jonathan E. Savoir cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường biện pháp bảo mật và vá lỗ hổng. Đồng thời, cần nhận thức mình là một phần của hệ sinh thái chuỗi cung ứng rộng lớn, mở rộng sang cả môi trường số. Giảm bớt sự phức tạp, cồng kềnh thông qua tăng cường tích hợp hệ thống với các đối tác trong chuỗi cung ứng.
Vị chuyên gia này chỉ rõ: Chi phí để đảm bảo an ninh mạng là không hề rẻ, nhưng là điều vô cùng cần thiết - như việc khóa cửa khi ra khỏi nhà vậy và chúng ta luôn làm mà không cần đắn đo. Ngày nay, bảo vệ mạng lưới kết nối càng trở nên quan trọng hơn. Các đối tác chuỗi cung ứng sẽ đưa ra những đòi hỏi khắt khe hơn về cách các công ty giải quyết thách thức về an ninh mạng, và ì thế các doanh nghiệp cần sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.
Hơn bao giờ hết, việc đánh cắp dữ liệu, khủng bố mạng và phần mềm độc hại gây ra mối đe dọa vô cùng lớn với việc quản lý chuỗi cung ứng. "Rủi ro sẽ được giảm thiểu nếu các hoạt động an ninh mạng được thiết kế phù hợp, bao gồm các cuộc diễn tập khôi phục sau thảm họa giữa các nhà cung cấp đáng tin cậy và lên kế hoạch ngắt kết nối các máy móc quan trọng với mạng bên ngoài. Điều đó cần nỗ lực của cả một tập thể”, ông Jonathan E. Savoir khuyến nghị.
Vân Anh