VnReview lược dịch từ trang BeInCrypto và trang TheBlockCrypto
Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBoC đã công bố vào tối ngày 16/7 sách trắng dự án đồng nhân dân tệ điện tử của mình, còn được gọi là e-CNY, trong đó cơ quan này xác nhận tính năng hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tiền mã hóa sẽ được áp dụng cho e-CNY. PBoC cho biết trong các cuộc thử nghiệm gần đây, cơ chế hợp đồng thông minh "giúp cho đồng tiền này dễ dàng nhân rộng và có thể thực hiện giao dịch ở nhiều tình huống khác nhau". Nhưng tài liệu này chưa đưa ra bất kỳ lộ trình hoặc thời điểm cụ thể ra mắt chính thức.
Cũng trong tài liệu trên, PBoC cũng giải thích tường tận các nền tảng, tính năng cụ thể và quá trình phát triển e-CNY từ năm 2014 đến nay. Sự xâm lấn mạnh mẽ của tiền mã hóa đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc nghiên cứu và phát triển e-CNY nhằm giải quyết những rủi ro và thách thức đang đe dọa đến nền tài chính quốc gia.
Trong tài liệu, PBoC đã viết: "Với những tuyên bố như sử dụng công nghệ blockchain và mã hóa, các loại tiền mã hóa như Bitcoin tuyên bố chúng có tính phi tập trung và hoàn toàn ẩn danh. Tuy nhiên, chúng thiếu các giá trị nội tại, thường xuyên biến động giá nghiêm trọng, hiệu quả giao dịch thấp và mức tiêu thụ năng lượng lớn, tiền mã hóa khó có thể đóng vai trò là tiền tệ được sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, loại tiền này chủ yếu là công cụ đầu cơ và do đó tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính và trật tự xã hội".
"Để giải quyết mối lo ngại về biến động giá nghiêm trọng, một số công ty thương mại đã tạo ra 1 sản phẩm gọi là 'stablecoin' với mục tiêu ổn định và dễ dàng trao đổi các đồng tiền mã hóa bằng cách neo chúng với mệnh giá của 1 số loại tiền tệ hoặc các tài sản có giá trị. Một số công ty thậm chí còn có tham vọng áp dụng stablecoin trên toàn cầu, điều này sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho hệ thống tiền tệ quốc tế, hệ thống thanh toán, chính sách tiền tệ, quản lý vốn của các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ", cơ quan này nhấn mạnh.
Hỗ trợ hợp đồng thông minh
Cụ thể, ở phần các đặc điểm của e-CNY, PBoC xác nhận rằng một trong bảy tính năng chính của nó là lập trình dưới dạng hợp đồng thông minh. "Việc cho phép lập trình dưới dạng hợp đồng thông minh và thanh toán qua cơ chế hợp đồng thông minh không làm ảnh hưởng đến chức năng tiền tệ của e-CNY. Tính năng này cho phép người dân tự động thực hiện các khoản thanh toán trong đời sống thông qua các điều kiện đã được đặt ra từ trước. Việc thực hiện thanh toán được nhà nước đảm bảo về bảo mật thông tin", PBoC đã nhận định trong sách trắng.
Mu Changchun, giám đốc nghiên cứu tiền điện tử của PBoC và Fan Yifei, phó thống đốc ngân hàng nhà nước đã bày tỏ một số quan ngại về tính năng này. Việc triển khai tính năng hợp đồng thông minh sẽ giúp e-CNY thực hiện hoàn hảo vai trò tiền tệ của đất nước. Nhưng đối với các hợp đồng thông minh có mục đích khác ngoài mục đích tiền tệ, chúng có thể "phá hoại đồng nhân dân tệ điện tử bằng cách sử dụng trong các hoạt động hành chính và phạm pháp", họ nói.
Thành phố Chengdu của Trung Quốc đã thử nghiệm sử dụng e-CNY cho một vài mục đích cụ thể. Tại đây, e-CNY được lập trình để dùng thanh toán vé tàu điện ngầm và xe buýt, cùng với các dịch vụ thuê xe đạp. PBoC cũng đảm bảo các giao dịch e-CNY được theo dõi kỹ nhằm đảm bảo tiền được chi trả chính xác. Cuối cùng, báo cáo cho biết tính đến ngày 30/6, đã có 70 triệu giao dịch được thực hiện với tổng trị giá 34,5 tỷ NDT, tương đương 5,3 tỷ USD, ghi nhận giao dịch trên 20 triệu ví điện tử của các cá nhân và 3,5 triệu ví điện tử của doanh nghiệp.
Không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia khác cũng đang chạy đua nhằm ra mắt tiền điện tử của riêng mình. Mới đây, ngân hàng trung ương New Zealand đã bắt đầu công cuộc cải tổ hệ thống thanh toán và tiền tệ quốc gia và đồng thời hé lộ kế hoạch tung ra đồng tiền điện tử riêng của quốc gia này. Ngân hàng trung ương New Zealand đã phát hành một thông cáo báo chí vào ngày 7/7 cho biết họ đang hướng đến "một hệ sinh thái tiền tệ thúc đẩy an ninh và thịnh vượng cho người dân". Trợ lý thống đốc Christian Hawkesby cho biết các nhà chức trách đã cân nhắc vai trò của chuyển đổi số trong hệ thống tiền tệ.
Ông cho biết thêm rằng chính phủ New Zealand đang tập trung vào việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng nhà nước (CBDC). Đồng thời, họ cũng đang xem xét các vấn đề pháp lý liên quan tới thị trường tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum. "Phát triển một đồng tiền điện tử thuộc ngân hàng trung ương để giúp giải quyết các vấn đề mang tính tương lai là điều mà chúng tôi mong muốn đối với đất nước. CBDC, hay còn gọi là tiền mặt điện tử là một giải pháp, nhưng chúng tôi cần đánh giá kỹ càng phương án này".
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm của các chính phủ phần nào do xu hướng không dùng tiền mặt và các bất cập giữa người dân và hệ thống ngân hàng ngày càng tăng cao. Các nước châu Á mà đại diện là Trung Quốc đang đi đầu trong xu hướng thanh toán điện tử và dự án tiền điện tử của ngân hàng trung ương của họ đã chứng minh những thành công nhất định. 2 lý do này khiến cho các quốc gia khác phải nhanh chóng thay đổi để bắt kịp cuộc chơi.
Cuộc đua CBDC
Như vậy, New Zealand đã chính thức gia nhập danh sách các quốc gia triển khai CBDC, và con số trên danh sách đang tăng từng ngày. Mặc dù chỉ mới là giai đoạn đầu của tiền điện tử, nhưng ngày càng nhiều quốc gia bỏ hẳn giai đoạn tham vấn các chuyên gia mà đi thẳng vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Một số quốc gia gần như chắc chắn sẽ triển khai CBDC, bao gồm Trung Quốc, Canada, Nhật Bản và Thụy Điển. Hai quốc gia đã phát hành từ trước là Campuchia và Bahamas.
Sự kiện này là một dấu hiệu chắc chắn rằng các chính phủ nhìn thấy tiềm năng trong công nghệ hoặc có thể là họ đang lo ngại các loại tiền mã hóa đang ngày càng phát triển và đe dọa đến nền tài chính hiện tại. Một số nhà phân tích tin rằng CBDC sẽ giúp cho việc triển khai thanh toán điện tử có bước đột phá. Mặc dù các đồng tiền điện tử vẫn chưa ra mắt chính thức ở các nước lớn nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy xu hướng này còn tăng nhanh hơn trong những năm tới.
Chí Tôn