Cà Mau phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả

11/06/2022, 10:51

Kiểm soát tốt dịch bệnh, Cà Mau đang quyết tâm khôi phục sản xuất, chuyển đổi số, phát huy các mô hình kinh tế hiệu quả và triển khai nhanh các nguồn vốn đầu tư nhằm tạo đà cho phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn lực cho kinh tế địa phương.

Cà Mau đang hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao.

Tín hiệu lạc quan

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã giải ngân 1.207,2 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tăng hơn 14,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 giải ngân 666,6 tỷ đồng, bằng 19,8% kế hoạch), ghi nhận nỗ lực của chính quyền và người dân, doanh nghiệp trong việc phục hồi và phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết thêm, mặc dù tỉnh còn một số nguồn vốn giải ngân đạt thấp so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nhìn chung trong những tháng đầu năm nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so với cùng kỳ. Nổi bật như tổng sản lượng thủy sản tăng 1,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7%; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng 7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 51%, số vốn đăng ký tăng 6,3 lần… Đây là những tín hiệu lạc quan cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế tỉnh.

Là vùng đất cực Nam giàu tiềm năng, Cà Mau được Chính phủ quan tâm, đầu tư các công trình trọng điểm như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau, nâng cấp đường cất - hạ cánh sân bay Cà Mau và các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu, vốn vay ưu đãi như tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, U Minh - Khánh Hội, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm...

Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp đã và đang chung sức, đồng hành cùng nông dân làm nên cuộc “cách mạng xanh” cho vùng đất Cà Mau. Đến nay, tỉnh đã thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hạ tầng được chú trọng đầu tư chính là lực đẩy cho thị trường bất động sản phát triển. Trên địa bàn tỉnh có Khu đô thị mới Hoàng Tâm, tọa lạc trên tuyến giao thông huyết mạch, ngay cửa ngõ kết nối với trung tâm thành phố - Quốc lộ 1A, hứa hẹn là một dự án đầy triển vọng, nâng cao chất lượng sống cho cư dân và nâng tầm TP. Cà Mau.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đã tăng 73,9%, đạt gần 700 triệu USD, bằng 54,6% kế hoạch. Theo ghi nhận của ngành chức năng, chưa khi nào Cà Mau gặp thuận lợi như lúc này về xuất khẩu thủy sản. Nổi bật với những chương trình, dự án mang tên “Dự án tôm sinh thái, tôm hữu cơ” ở rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; “Dự án tôm - lúa hữu cơ”; "Mô hình nông nghiệp thông minh” ở vùng ngọt TP. Cà Mau, U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, đến các dự án, mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng không còn xa lạ với người dân Cà Mau.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp đã và đang chung sức, đồng hành cùng nông dân làm nên cuộc “cách mạng xanh” cho vùng đất Cà Mau. Đến nay, tỉnh đã thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với khoảng 900 ha lúa tôm hữu cơ; khoảng 19.000 ha tôm rừng (tôm sinh thái, hữu cơ); trên 150 ha hoa màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; 1 ha dược liệu hữu cơ dưới tán rừng, trên 3.000 con gia súc, gia cầm theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học… thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Từ hiệu quả bước đầu, nông dân Cà Mau rất phấn khởi và đồng thuận cao, chung tay cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân vùng Đất Mũi theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững, nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm nay Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển sản phẩm mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao. Nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao. Phát triển, nâng cấp ít nhất 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm trưng bày trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đặc sản, nhất là vào hệ thống siêu thị…

Mới đây, trong chuyến thăm, làm việc và thực hiện khảo sát các vùng sản xuất hữu cơ tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khuyến nghị, Cà Mau có nhiều đặc sản như lúa, tôm, là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cần tận dụng điều kiện, lợi thế mà nhiều nơi khác không có được để tăng chất lượng nông sản, phát triển kinh tế xanh…

Ngành du lịch của tỉnh cũng đang khởi sắc với nhiều chương trình hấp dẫn, tạo điểm nhấn đặc trưng của vùng Đất Mũi, như các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Cà Mau điểm đến” gồm: Lễ hội Nghinh Ông (Sông Đốc); Lễ hội Tri ân quốc tổ (Ngọc Hiển và Thới Bình); Họp mặt doanh nghiệp, gắn với hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh; sự kiện Hương rừng U Minh với “Hành trình đến du lịch xanh”; Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ...

Trong tháng 10/2022, tỉnh sẽ tổ chức Lễ hội cua Cà Mau huyện Năm Căn; Lễ thượng cờ thống nhất non sông; Ngày hội ẩm thực Đất Mũi... Đây là một trong các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá và vực dậy tiềm năng du lịch.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Hiện tỉnh đang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau để kêu gọi đầu tư theo quy định.

“Để từng bước kích cầu, phục hồi du lịch trong tình hình mới, Cà Mau đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mở thêm các tour, tuyến và phát triển sản phẩm du lịch mới. Xây dựng tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các điểm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh Đất Mũi, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khách du lịch”, ông Tiên nói.

Tạo đà tăng trưởng kinh tế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh, nông nghiệp là trụ cột của ngành kinh tế, vì thế tỉnh sẽ dành nhiều ưu tiên trong xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả cao.

Trước thực tế giá nhiên liệu tăng phi mã, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nhau nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, nhất là đối với nghề khai thác hải sản. Đồng thời tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đối với các công trình trọng điểm trên địa bàn như Dự án đường trục chính Đông - Tây, đường vào đầm Thị Tường và cầu Sông Đốc…

Ông Huỳnh Quốc Việt cũng chỉ đạo về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất công; phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh; chủ động trong thực hiện các hoạt động thu hút du lịch; phát triển nguồn lao động và giải quyết việc làm; các chính sách hỗ trợ người lao động…

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 18/1/2022, Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 9/2/2022, trong đó đề ra những biện pháp tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với thực tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ.

Thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp; duy trì và phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao; mời gọi hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực. Quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các công trình, dự án; thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tận dụng thời cơ thu hút các dòng vốn đầu tư, nhất là những tập đoàn công nghệ lớn; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 28/1/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định đề ra.

Về phía doanh nghiệp, mới đây Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cùng VNPT Cà Mau tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025, nhằm mang lại hiệu quả cao trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh để phục hồi và tăng trưởng nhanh nền kinh tế.

Theo ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ngành chức năng của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chuyển đổi số nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO