Cà Mau: Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hướng đến nền hành chính hiện đại

29/07/2021, 10:31

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã nỗ lực thực hiện đồng bộ việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau đã thực hiện trên 19.000 hồ sơ liên thông 3 cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều đơn vị trong cùng một thủ tục.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện quy trình “04 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ). Đến nay, đã có 7 đơn vị  thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với 109 thủ tục hành chính. 

Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Kết quả, đã giải quyết gần 37.000 hồ sơ theo quy trình “04 tại chỗ”. Trong đó, lĩnh vực tư pháp trên 2.600, tài nguyên môi trường và môi trường 458, kinh doanh trên 1.300, giáo dục và đào tạo 26, bảo hiểm trên 32.000 hồ sơ. Việc thí điểm tiếp nhận thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính” tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính đã tiếp nhận và trả kết quả hơn 2.500 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện Thới Bình, Cái Nước và TP. Cà Mau, thuộc các lĩnh vực đất đai, kinh doanh, xây dựng.

Nhìn chung công tác cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đều tăng vượt nhiều thứ bậc.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh từng bước được nâng cấp, hoàn thiện và đã được Trung tâm Chính phủ điện tử - Cục tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng nhận đáp ứng các yêu cầu chung theo quy định. Hiện nay, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh (cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) đều được thực hiện trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được quan tâm. Bảo đảm đáp ứng 04 tiêu chí kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: tích hợp các thủ tục tổ chức, cá nhân được phép nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đăng nhập một lần; đồng bộ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; bố trí máy chủ bảo mật. 

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên; việc vận hành phần mềm iOffice (thay thế phần mềmVIC) đang từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ văn bản đi, đến và cán bộ, công chức sử dụng phần mềm ioffice thường xuyên các cơ quan cấp tỉnh đạt 100%; cấp huyện đạt trên 95%; cấp xã đạt trên 83%. Việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua số điện thoại đường dây nóng, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục phát huy được hiệu quả, từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Công tác cải cách thủ thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; nhiều giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện như: tiếp nhận thủ tục “phi địa giới hành chính”; đặt lịch, hẹn giờ trong giải quyết thủ tục hành chính; lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng thông qua Zalo... Qua đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tiếp tục được cải thiện (tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn của các đơn vị trung bình đạt trên 99%). Các đơn vị thực hiện tốt việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các hồ sơ giải quyết trễ hạn; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trung bình đạt gần 98%.

Bên cạnh đó, Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến bằng các hình thức phù hợp như: hình ảnh trực quan tại trung tâm, phát hành tờ tuyên truyền, tuyên truyền qua Zalo, Fanpage Facebook, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp... Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “4 xin, 4 luôn” trong giải quyết thủ tục hành chính: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, cơ chế này đã điều chỉnh mối quan hệ giữa nhân dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức thuộc quyền, thể hiện rõ bản chất của công tác cải cách thủ tục hành chính.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.  

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO