Blockchain thay đổi toàn cảnh công nghệ tại Đông Nam Á

24/12/2021, 10:54

Big Tech cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm đã mạnh tay chi cho các dự án blockchain, GameFi và Defi khác nhau.

Các ứng dụng blockchain, tiền điện tử, trò chơi NFT dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của vũ trụ ảo (metaverse). Dưới đây là một số sự kiện chính mà KrASIA cho rằng đã định hình bức tranh metaverse của khu vực Đông Nam Á trong năm 2021.

Sự trỗi dậy của Axie Infinity

Game video dựa trên NFT, Axie Infinity do startup blockchain Sky Mavis phát hành đã trở thành một trong những trò chơi phát triển nhanh nhất thế giới. Người chơi có thể kiếm lợi nhuận bằng việc giao dịch các hàng hoá kỹ thuật số trong game.

Theo DappRadar, Axie Infinity là bộ sưu tập NFT được giao dịch nhiều nhất thời gian qua, với giá trị khối lượng giao dịch vượt hơn 3,8 tỷ USD, cao hơn cả các bộ sưu tập NFT “blue chip” như CryptoPunks, Bored Ape Yacht Club và NBA Top Shot.

Tiếp nối sự thành công của Axie Infinity là sự bùng nổ của hàng loạt startup trò chơi điện tử, khai thác cách thức mới kết hợp giữa video game và blockchain như Yield Guild Games, Guild Fi, Avocado Guild, dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ NFT trong game và thu phí hoa hồng từ tiền game thủ kiếm được.

Các tay chơi crypto đổ tiền vào dự án GameFi

Xu hướng các trò chơi blockchain đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Ngày 6/12, Animoca Brands, công ty game blockchain trụ sở tại Hong Kong cùng Binance Smart Chain (BSC) đạt được thoả thuận xây dựng quỹ 200 triệu USD để đầu tư các dự án game crypto xây dựng trên nền tảng BSC.

Một loạt quỹ đầu tư khác cũng nhảy vào đầu tư các dự án GameFi như Andreessen Horowitz, Huobi Ventures, Tron Foundation, sàn crypto OKEx và SoftBank.

Tính tới ngày 4/10/2021, các công ty game dựa trên blockchain đã gọi vốn được gần 2 tỷ USD và thị trường video game được dự báo tăng trưởng hơn 200 tỷ USD vào năm 2023.

Các sàn giao dịch crypto địa phương tham gia cuộc đua

Các ngân hàng địa phương tại Đông Nam Á cũng không ngồi yên khi tiến hành đầu tư vào những sàn giao dịch điện tử đã có giấy phép hoạt động, tập trung tại Thái Lan và Singapore.

Trong tháng 11, ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng lâu đời nhất của Thái Lan, đã mua lại 51% cổ phần Bitkub, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất nước với giá 17,85 tỷ Bath (535 triệu USD). Trước đó, sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Zipmex trụ sở tại Singapore đã thu được 41 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, có sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc ngân hàng Ayudhya, ngân hàng lớn thứ 5 tại Thái Lan.

Tại Singapore, ngân hàng trung ương nước này chính thức cấp phép cho DBS Vickers cung cấp các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số token. Ngân hàng OCBC được biết cũng sớm xây dựng sàn giao dịch tiền điện tử. Các pháp nhân khác đã có giấy phép tại quốc đảo này bao gồm Triple A, Independent Reserve và Fomo Pay.

Ngành công nghiệp tiền điện tử đối mặt với các quy định mới

Với việc Trung Quốc mạnh tay trấn áp những hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử trong nước, các công ty lớn trong lĩnh vực đã chuyển hướng sang Singapore.

Mặc dù vậy quá trình này gặp không ít khó khăn. Mới đây, sàn Binance Exchange đã thông báo chấm dứt hoạt động tại Singapore từ ngày 13/2/2022, thay vào đó công ty sẽ tái tập trung nguồn lực xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo blockchain tại đây.

Huobi Global thông báo ngừng cung cấp dịch vụ tại Singapore hồi tháng 11. Huobi Group cho biết tập đoàn đang chuyển hoạt động kinh doanh giao dịch sang Gibraltar và dự định mở rộng tại các khu vực như Đông Nam Á và châu Âu.

Tại Indonesia, Hội đồng Ulema, tổ chức các học giả Hồi giáo hàng đầu quốc gia, đã đưa ra tuyên bố việc sử dụng tiền điện tử để thanh toán là hoạt động “không được phép” theo quy định của đạo Hồi. Tại Lào, chính quyền địa phương đang xem xét phát triển bằng việc cho phép các công ty sử dụng thuỷ điện để đào tiền kỹ thuật số. Bước đi này có thể tạo ra nguồn thu hàng năm trị giá 2.000 tỷ LAK (187 triệu USD) cho quốc gia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng.

Các ngân hàng Trung ương nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số riêng (CBDC)

Bản chất biến động cao của nhiều loại token khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong thanh toán hàng hoá và dịch vụ. Điều này thôi thúc các ngân hàng trung ương trong khu vực đẩy mạnh nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số.

Ngân hàng Thái Lan bắt đầu thí điểm đồng Baht điện tử từ quý II 2021. Ngân hàng Trung ương Indonesia đang xem xét đưa ra đồng tiền riêng. Các ngân hàng nhìn nhận CBDC như một khía cạnh của đồng tiền có chủ quyền (Sovereign Digital Currency). Các nền kinh tế lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia cũng nghiên cứu một số sáng kiến tương tự.

Các nghệ sĩ địa phương thúc đẩy khu vực ứng dụng NFT

Trước sự tăng trưởng như vũ bão của khối lượng giao dịch NFT thế giới (chạm mốc 10.7 tỷ USD trong quý III/2021, tăng 704% so với quý trước), các nghệ sĩ tại Đông Nam Á đã thành lập các cộng đồng bản địa hỗ trợ nhau vượt qua rào cản ngôn ngữ, chi phí giao dịch nhằm thúc đẩy ứng dụng NFT như MetaRupa, Malaysia NFT và NFT Asia.

Một loạt sự kiện nghệ thuật về tiền điện tử cũng được tổ chức trong khu vực với sự hỗ trợ của các cộng đồng NFT, trong số đó có sự kiện Art Moments Jakarta, hội chợ Art Philippines và Tuần nghệ thuật crypto châu Á.

Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm tiền kỹ thuật số tiếp theo?

Mặc dù thị trường tiền điện tử khu vực còn non trẻ, nhưng Đông Nam Á đã sẵn sàng đổi mới. Theo Statista, Việt Nam, Philippines và Thái Lan lần lượt xếp thứ 2, 3 và 5 trong danh sách 55 quốc gia phổ biến tiền kỹ thuật số. Nigeria đang là quốc gia có mức độ phổ biến crypto cao nhất với 32% người dân cho biết đã sử dụng hoặc sở  hữu tiền điện tử trong năm 2020.

Bản chất phi tập trung của tiền điện tử có thể góp phần thay đổi cán cân quyền lực của các tổ chức tài chính truyền thống, mở ra nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng tại đại phương.

Vinh Ngô(Theo KrAsia)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO