Trụ sở Công ty Meta ở bang California - Ảnh: AP
Việc ngành công nghệ sa thải hàng loạt, đã khiến hàng ngàn nhân viên nước ngoài sống ở Mỹ bằng thị thực H-1B có rất ít thời gian để tìm một công việc khác. Nếu không, họ sẽ phải rời khỏi đất nước này, theo Hãng tin Bloomberg.
"Luôn sống trong sợ hãi!"
Đợt cắt giảm việc làm mới nhất, chỉ riêng tại hai công ty Meta và Twitter đã ảnh hưởng đến ít nhất 350 người nhập cư.
Những người có H-1B bị thất nghiệp chỉ có thể ở lại Mỹ hợp pháp trong 60 ngày. Trong đó, nhiều người có thị thực H-1B đã sống ở Mỹ trong nhiều năm đang chờ quốc tịch.
Giờ đây cùng với hàng nghìn nhân viên công nghệ khác, họ đang điên cuồng tìm kiếm việc làm trong một thị trường lao động mới đầy cạnh tranh, trong bối cảnh nhiều nhà tuyển dụng lớn đã ngừng tuyển dụng.
Một người nguyên là nhà thiết kế tại Twitter, 30 tuổi, đã ở Mỹ 14 năm và được cho nghỉ vào tháng 11 cùng với 3.500 đồng nghiệp, cho Hãng tin Bloomberg biết cô đã hình dung ra viễn cảnh này từ lâu. Cô luôn sống trong nỗi sợ hãi phải thu dọn mọi thứ và rời đi.
Việc sa thải đã có tác động đặc biệt lớn đến người Ấn Độ - những người xin thị thực H-1B tạm thời lâu hơn so với các nhóm người nước ngoài khác.
Mỗi quốc gia thường được cấp tối đa 7% số thẻ xanh dựa trên việc làm được cấp mỗi năm. Vì vậy, với gần nửa triệu công dân Ấn Độ xếp hàng tại Mỹ, chỉ có khoảng 10.000 thẻ xanh mỗi năm dành cho họ.
Một báo cáo của Quốc hội Mỹ ước tính: Người Ấn Độ nộp đơn vào năm 2020 sẽ phải đợi tới 195 năm để có thẻ xanh. Người Trung Quốc phải chờ đợi 18 năm. Trong khi đối với những người đến từ phần còn lại của thế giới, chỉ cần chưa đầy một năm để có thẻ xanh.
"Đem con bỏ chợ?"
Theo thông lệ, các công ty phải trả tiền cho người lao động H-1B trở về nước nếu họ phải rời Mỹ sau khi mất việc. Tuy nhiên, các công ty này đã đưa ra các mức hỗ trợ khác nhau cho người nhập cư.
Năm cựu nhân viên của Twitter có thị thực tạm thời cho biết công ty đã hỗ trợ rất ít và không rõ khi nào thời gian gia hạn 60 ngày của họ bắt đầu. Khi một công nhân yêu cầu làm rõ, đại diện công ty đề nghị tìm luật sư riêng của họ, vì luật có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Twitter đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này của Hãng tin Bloomberg.
Hình ảnh visa H-1B - Ảnh: INDIA TV NEWS
Người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) cho biết, cơ quan này đang tìm hiểu các chính sách, để giải quyết những thách thức mà các cộng đồng nhập cư phải đối mặt. Đồng thời, USCIS cam kết tăng khả năng tiếp cận các lợi ích cho người nhập cư.
Cô Fiona McEntee, luật sư di trú của Tập đoàn Luật McEntee ở Chicago, cho biết: "Những người bị sa thải chịu áp lực nghiêm trọng để tìm việc làm. Vấn đề là "đồng hồ thị thực" tích tắc hằng ngày".
Một số đã từ bỏ hy vọng. Một giám đốc sản phẩm, 34 tuổi, bị một công ty trong lĩnh vực tài chính-công nghệ (fintech) lớn sa thải, nói anh đang cố gắng tìm một công việc trong vài tuần tới, nhưng đa phần là anh quyết định quay trở lại Ấn Độ.
"Tôi kiệt sức", anh nói về sự chờ đợi trong việc tồn đọng thẻ xanh và công việc ở Mỹ. "Tôi không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm này".
Chương trình H-1B cho phép người sử dụng lao động Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có bằng đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật.
Thị thực được cấp trong 3 năm, có khả năng gia hạn. Mỗi năm, tại Mỹ số lượng người được cấp H-1B được giới hạn ở mức 85.000 người.