Giao diện các website với tên miền .vn của các hợp tác xã của Bến Tre. |
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4
Toàn tỉnh có 1.762 TTHC, đã triển khai cung cấp 1.364 thủ tục hành chính (TTHC) thành dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 (số DVCTT mức độ 3 là 191 dịch vụ, số DVCTT mức độ 4 là 1.173 dịch vụ) đạt 100% (đối với các TTHC đủ điều kiện), 77% so với tổng số TTHC của tỉnh. Tỉnh đã tích hợp 978/1.364 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 72% so với tổng DVCTT đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Từ ngày 1-1 đến 1-12-2022, toàn tỉnh có 509/1.364 DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt 37% (do có nhiều TTHC của các sở, ngành không phát sinh hồ sơ kể cả kênh tiếp nhận trực tiếp). Tổng số hồ sơ của các DVCTT được tiếp nhận và giải quyết trên môi trường điện tử 131.788 hồ sơ (Trong đó, mức 3 là 36.753 hồ sơ, mức 4 là 95.035 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến 50.911 hồ sơ chiếm 39%/tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên môi trường điện tử). Tổng số giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng Payment Platform trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 283 giao dịch
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được nâng cấp, tích hợp Kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức phục vụ công tác số hóa hồ sơ. Kết quả giải quyết TTHC của các ngành, các cấp, đồng bộ các danh mục dữ liệu dùng chung được chia sẻ từ Cổng Dịch vụ công quốc gia và bổ sung tính năng tra cứu tài khoản số của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, Kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức triển khai thí điểm tại cấp tỉnh và dự kiến triển khai chính thức vào năm 2023.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo điều kiện kết nối chính thức. Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trực thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội đã bàn giao tài khoản kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với các dịch vụ của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện tra cứu hồ sơ, nộp hồ sơ trực tuyến, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng, hoàn thiện ứng dụng (app) “Dịch vụ công Bến Tre” chạy trên các thiết bị di động thông minh sử dụng 2 hệ điều hành thông dụng là iOS và Android. Đồng thời, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cũng đã tích hợp thành công dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của 3 nhà mạng (VNPT, Viettel, Mobifone) cho phép người dân, doanh ngiệp có thể ký số công cộng trên các tờ khai, mẫu đơn điện tử của các DVCTT tạo tính pháp lý cho các hồ sơ điện tử.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ (Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền) cấp chứng thư số chuyên dùng cho 391 tổ chức, 1.858 cá nhân (bao gồm: cán bộ phụ trách Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) và cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số cho 155 cá nhân để thực hiện ký số trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu ký số văn bản điện tử và phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bến Tre còn phối hợp đào tạo nguồn nhân lực và công tác tuyên truyền chuyển đổi số.
Thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng đến cấp xã
Đến nay, tất cả các trường phổ thông cơ bản đã triển khai dạy học trực tuyến, trực tiếp và cung cấp bài dạy trực tuyến cho học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai vận hành, khai thác Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Hiện nay, các đơn vị đang phối hợp kiểm tra, rà soát việc thực hiện cập nhật dữ liệu, các vấn đề liên quan về kỹ thuật để thí điểm đồng bộ dữ liệu từ IOC ngành giáo dục và đào tạo về Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC tỉnh).
Trung tâm giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh Bến Tre kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) đã chính thức công bố và đang vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, nhằm giám sát an toàn thông tin, cảnh báo, khắc phục các lỗ hổng gây mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm 2022, UBND tỉnh Bến Tre còn phê duyệt cấp độ 3 an toàn thông tin cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; phê duyệt cấp độ 3 an toàn thông tin Hệ thống thông tin Trung tâm tích hợp dữ liệu, gồm: Hệ thống thư điện tử công vụ, Trục liên thông nội bộ tỉnh (LGSP), Trang thông tin điện tử biển và biên giới biển, Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số, Phần mềm quản lý Công chứng, Phần mềm quản lý hộ đăng ký kinh doanh cá thể, Trang thông tin điện tử quản lý doanh nghiệp, Phần mềm quản lý hạ tầng viễn thông.
Toàn tỉnh đã có quyết định thành lập 9 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, 157 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã và 450 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp khu phố/ấp, với hơn 5.100 thành viên tham gia. Đến nay, 100% thành viên Tổ chuyển đổi số cộng động đã được tập huấn, phổ cập các kỹ năng số, dịch vụ số, hướng dẫn các kỹ năng sử dụng nền tảng, các kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử để triển khai thực hiện nhiệm vụ, với nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp cầm tay chỉ việc với mục đích đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân. Ngoài ra, để chuyển đổi số toàn diện, UBND tỉnh đã ưu tiên, xem xét phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 cho các huyện, thành phố, với mức hỗ trợ có mục tiêu hơn 15 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện kết nối với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), gồm: Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (VBDLIS), kết nối Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phục vụ đồng bộ trạng thái tiếp nhận hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích, kết nối Liên thông Tài nguyên Môi trường - Thuế, kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ Xây dựng phục vụ đồng bộ trạng thái xử lý, trả kết quả, hồ sơ giải thủ tục hành chính Cấp phép xây dựng, Cung cấp thông tin quy hoạch cấp tỉnh, Cung cấp thông tin quy hoạch cấp huyện, kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (TTHC đăng ký khai sinh). Hiện nay, tỉnh đang triển khai kết nối Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.
Hệ thống thông tin báo cáo được triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ kịp thời trên Hệ thống theo dõi thông tin chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm điều hành thông minh IOC cấp tỉnh, cấp huyện cũng quan tâm triển khai thực hiện để phục vụ sự giám sát, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bến Tre (LGSP) được xây dựng và kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Đồng chí Nguyễn Thị Bé Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, trong triển thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn hạn chế khó khăn như: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ thấp do nhiều TTHC cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến không phát sinh hồ sơ bao gồm hình thức tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp công dân đã thanh toán thành công nhưng phí bị giữ tại trung gian, đơn vị thụ hưởng không nhận được phí/lệ phí theo quy định ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
“Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan quan tâm khắc phục những hạn chế trong việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương: Về giải pháp triển khai để đạt tỷ lệ 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ theo Quyết định 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15-3-2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số năm 2022 và đạt tỷ lệ TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (vì hiện tại 2 tỷ lệ này đang mâu thuẫn với nhau. Nếu đạt tỷ lệ TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ không đạt do các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương có rất nhiều TTHC không phát sinh hồ sơ bao gồm hồ sơ trực tiếp và hồ sơ trực tuyến). Việc thực hiện thực hiện thu thập, phân tích số liệu thống kê theo Thông tư 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31-12-2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Việc hướng dẫn, chia sẻ, cung cấp thông tin về những sản phẩm công nghệ, phần mềm, hệ thống thông tin do bộ, ngành đã và đang có kế hoạch triển khai thực hiện để địa phương cân nhắc trước khi đầu tư tránh trùng lắp, gây lãng phí ngân sách nhà nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười nêu vấn đề kiến nghị.
Đồng chí Nguyễn Thị Bé Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ. Tỉnh cập nhật kế hoạch xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số - xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với đầy đủ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phù hợp với tình hình, khả năng thực hiện của địa phương. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo thời gian thực, đảm bảo đồng bộ, nhất quán, chính xác, đã kết nối với các nền tảng dùng chung, đạt cấp độ 3 an toàn thông tin. Tỉnh đã lựa chọn và công bố danh sách các nền tảng số quốc gia sử dụng trên địa bàn tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động ngày càng hiệu quả và tích cực để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả mang lại từ chuyển đổi số. |