Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện số hóa để mở rộng công chúng, tạo thêm nguồn thu mới

06/12/2023, 12:00

Báo Sài Gòn Giải Phóng xác định chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp, xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng đồng bộ, thống nhất. Từ đó, tạo điều kiện để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số, mở rộng đối tượng công chúng và tạo thêm nguồn thu mới.

CĐS là yêu cầu tất yếu

Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, CĐS báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số...

Trong xu thế phát triển chung đó, báo Sài Gòn Giải Phóng xác định, CĐS là yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp, xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng đồng bộ, thống nhất. Từ đó, tận dụng tất cả các nguồn lực để sản xuất ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí dưới nhiều dạng thức khác nhau, cũng như tạo điều kiện để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số, mở rộng đối tượng công chúng và tạo thêm nguồn thu mới.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ra mắt trang tin điện tử từ rất sớm (năm 2001) và được Bộ TT&TT cấp phép xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng Online vào năm 2008. Trước đó, năm 2007, Sài Gòn Giải Phóng là cơ quan báo chí đầu tiên trên cả nước xuất bản hình thức epaper, qua đó bạn đọc có thể đọc báo Sài Gòn Giải Phóng trên mạng.

Xác định các kỳ báo đã xuất bản là kho tài nguyên dữ liệu quý giá, hơn 10 năm qua, báo Sài Gòn Giải Phóng đã tiến hành số hóa tất cả các kỳ báo, kể từ số báo đầu tiên ra ngày 5/5/1975 cho đến nay, với hơn 16.000 kỳ báo.

Hiện nay, báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản các đầu báo: Nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, Nhật báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn, Chuyên san Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư - Tài chính, Báo Sài Gòn Giải Phóng Online (tiếng Việt và tiếng Anh).

Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn cho biết, việc thực hiện CĐS, báo Sài Gòn Giải Phóng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

“Trước yêu cầu này, chúng tôi hình dung được rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, từ khi xây dựng đề án, lộ trình, mô tả công việc cụ thể từng khâu, từng người cho đến lúc triển khai thực hiện, quản lý, giám sát thực hiện đề án, vận hành... Trong đó, 2 yếu tố then chốt là nhân lực và hạ tầng công nghệ”, ông Nguyễn Khắc Văn đã chia sẻ trong một tham luận.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Văn khẳng định, “Việc CĐS ở báo Sài Gòn Giải Phóng là đòi hỏi tất yếu cũng là nhu cầu đổi mới tự thân của mỗi cơ quan báo chí hiện nay. Do đó, phải thay đổi tư duy tổ chức quy trình xuất bản các ấn phẩm, từ tác nghiệp đầu vào đến đầu ra các sản phẩm”.

CĐS báo chí phải đi từ nhận thức đến việc xây dựng các nên tảng, kiện toàn chính sách, nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng và dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hợp tác nghiên cứu phát triển...

Thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng số

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và các năm tiếp theo của báo Sài Gòn Giải Phóng là thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng số (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); Chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn tích hợp, đa phương tiện; Có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động.

Đồng thời, đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số như: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí; Thử nghiệm áp dụng mô hình thu phí bạn đọc với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

Báo Sài Gòn Giải Phóng hướng đến mục tiêu cụ thể là tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 30% tổng lưu lượng truy cập, tăng hơn 50% thông tin tích cực đưa lên mạng xã hội.

“Để thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng số, cần có một hệ thống phần mềm quản trị nội dung (CMS - Content management system) hoạt động trên môi trường Internet, được phát triển cho một quy trình làm việc đồng nhất, hoạt động dựa trên kho cơ sở dữ liệu tập trung (gồm: các kho tin, bài, ảnh, audio, video, dữ liệu, tư liệu…) phục vụ công tác xuất bản cả báo giấy, báo online và lưu trữ, các dữ liệu phục vụ hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, xây dựng kho dữ liệu tin, bài, ảnh tập trung; Cung cấp các công cụ để liên kết các khâu, báo điện tử, thư viện điện tử, khai thác kho dữ liệu tập trung”, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay.

Theo ông Nguyễn Khắc Văn, để trang bị thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt quá trình số hóa, cơ quan phải làm việc với các nhà cung cấp đưa ra yêu cầu, thiết kế nghiệp vụ; có sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên, nhằm bảo đảm hệ thống sau khi được lắp đặt hoàn chỉnh sẽ cung cấp được đúng những chức năng theo yêu cầu.

Công nghệ, thiết bị áp dụng được chọn lựa phải bảo đảm các yêu cầu: lưu trữ, quản lý được toàn bộ các tư liệu phục vụ vận hành, được phân loại một cách có hệ thống và thống nhất. Các kho dữ liệu được tổ chức theo mô hình thống nhất để có thể tích hợp chúng với nhau một cách thuận tiện và dễ dàng, đáp ứng khả năng chuẩn hóa và mở rộng nghiệp vụ trong tương lai...

Cùng với đó, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng; quản lý và giám sát ATTT; bảo mật dữ liệu, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện mã độc tấn công; Tổ chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng; Thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT định kỳ cho hệ thống thông tin.

Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử ra mắt giao diện điện tử mới từ ngày 4/12 (Ảnh: báo SGGP)

Cần hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện CĐS

Để có thể thực hiện việc CĐS đáp ứng yêu cầu, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng đề xuất: Cần hỗ trợ hạ tầng, nền tảng công nghệ cho các cơ quan báo chí; Hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS, hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng tòa soạn tích hợp công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ quy trình, hoạt động nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ mất ATTT cho các hệ thống, và triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí giải quyết, khắc phục sự số kịp thời; Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc CĐS trong các cơ quan báo chí./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO