Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Quản lý hoạt động livestream thế nào?

28/03/2022, 10:25

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt mới đây do có nhiều livestream xuyên tạc, vi phạm pháp luật. Nhiều người đặt ra vấn đề, cần có quy định để quản lý các hoạt động livestream, tránh gây ra các hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng khách mời livestream ngày 22.3.2022

Ngày 24.3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 3, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Từ tháng 3.2021 tới nay, bà Nguyễn Phương Hằng đã thông qua các tài khoản mạng xã hội như: YouTube, Facebook, TikTok để livestream đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, làm xúc phạm tới uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Trước khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, các cơ quan chức năng của TPHCM đã nhiều lần mời bà này lên làm việc để nhắc nhở, khuyến cáo không tiếp tục các hoạt động vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bà Hằng vẫn không thực hiện mà thách thức cơ quan chức năng, coi thường công luận, tiếp tục phát ngôn vu khống, nhục mạ các cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an chiều ngày 24.3. Ảnh: CTV

Nhiều ý kiến cho rằng, những sự việc như vậy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đang gây ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Vì thế, cần có quy định để quản lý các hoạt động livestream.

Gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 3 giờ

Thực tế, Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (đưa ra lấy ý kiến từ tháng 7.2021) đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. 

Hiện nay, mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền. Tuy vậy, theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 72, các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ được cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream khi các tài khoản này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TTTT. 

Cũng theo Dự thảo, dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ. 

Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì cũng phải thông báo. 

Dự thảo cũng quy định thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng ngắn hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TTTT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.

Quản lý livestream là cần thiết

Trao đổi với Lao Động, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hoạt động video phát trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao lưu, chia sẻ thông tin, thương mại điện tử nhưng cũng dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; tổ chức; truyền bá tin giả. 

"Vì vậy, việc bổ sung quy định về cơ chế quản lý đối với các tài khoản thực hiện livestream trên các mạng xã hội là rất cần thiết", luật sư La Văn Thái cho biết.

Cùng trao đổi với phóng viên, một số KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho biết cũng cho rằng, khi đã đăng ký chính thức với Bộ TTTT thì người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các KOLs khi đăng tải thông tin hoặc thực hiện livestream chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn, góp phần giảm bớt các hiện tượng "gây rối trật tự" trên mạng xã hội.

Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, dự thảo mới đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc quy định chủ tài khoản mạng xã hội cần thông báo thông tin liên hệ tới Bộ TTTT mới được livestream là một thủ tục gửi thông báo có mẫu sẵn rất đơn giản. Còn quy định những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo mình là ai, ở đâu để cơ quan quản lý biết là cần thiết.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO