Kinh nghiệm Đồng Tháp
Trong vùng ĐBSCL, tỉnh An Giangvà Đồng Tháp có nhiều điểm tương đồng khi đều là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, giáp Vương quốc Campuchia, có lợi thế lớn về nuôi cá tra, trồng lúa, rau màu, cây ăn trái. UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Trong chuyển đối số, An Giang có thể nghiên cứu một số mô hình mà tỉnh Đồng Tháp đang triển khai hiệu quả. ThS Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã áp dụng nhiều giải pháp ứng dụng số hóa để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, ngành trồng trọt đã ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo dịch hại. Đối với chăn nuôi, đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Với thủy lợi, được số hóa và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giám sát, theo dõi sạt lở bờ sông. Trong lâm nghiệp, ứng dụng hệ thống thông tin cập nhật để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, Đồng Tháp sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (quanlyhtxnongnghiep.gov.vn), nhằm giúp hình thành kênh tương tác thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các HTX nông nghiệp. Tỉnh còn xây dựng và ứng dụng “phần mềm số hóa OCOP” vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), giúp truy xuất, quản lý sản phẩm OCOP hiệu quả hơn.
Ông Đạt cho biết, tỉnh Đồng Tháp ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hóa quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, nông thôn mới, OCOP...
“Toàn bộ các hệ thống số hóa dữ liệu được tích hợp vào trung tâm dữ liệu của tỉnh để phục vụ công tác quản lý chuyển đổi số toàn tỉnh, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp được hiệu quả” - ông Đạt nhấn mạnh.
Ứng dụng vào sản xuất
TS Huỳnh Phước Hải (Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học An Giang) cho rằng, với sự phát triển của xã hội số hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chuỗi cung ứng nông sản là rất cần thiết và không khó triển khai. Với tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng dễ dàng đánh giá quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển sản phẩm. Đây là thước đo quan trọng về chất lượng và thương hiệu nông sản.
Điển hình như mô hình quản lý chuỗi cung ứng xoài tại tỉnh Hậu Giang, đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Toàn bộ quá trình trong chuỗi cung ứng (giống xoài, nhật ký chăm sóc, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, vận chuyển) được ghi lại và tổ chức theo từng giai đoạn trên nền tảng công nghệ Blockchain. Đối tác phân phối, người tiêu dùng có thể nắm bắt được thông tin đó bằng cách quét mã được dán trên quả xoài hoặc theo thùng, theo lô.
Tại An Giang, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương là doanh nghiệp được thí điểm hỗ trợ chuỗi cung ứng quản lý quy trình sản xuất. Công ty có hệ thống nhà máy gạo chất lượng cao được kiểm soát theo quy chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, BRC và HALAL, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường cao cấp và phân phối cho thị trường nội địa.
Để đảm bảo chất lượng, quy trình tổ chức sản xuất tại nhà máy của Công ty Tấn Vương được quản lý chặt chẽ, lúa tươi từ đồng ruộng được kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào nhà máy, sấy khô. Bao bì nhận vào được kiểm tra đúng nhãn mác, quy cách, sẵn sàng sử dụng trong các bước tiếp theo của quy trình sản xuất.
Lúa khô được cho qua hệ thống sàng lọc tạp chất trước khi cho vào hệ thống bóc vỏ để cho ra gạo nguyên liệu (gạo lứt), tiếp tục cho qua máy xát trắng và lau bóng để đảm bảo độ trắng mong muốn; sau đó qua máy tách đá, cát và tách màu (bạc bụng, vàng, hạt hư, sọc đỏ…) để cho ra gạo thành phẩm. Gạo được cân bằng hệ thống cân tự động trước khi được đóng gói theo yêu cầu của từng đơn hàng. Tiếp theo, bao, túi, thùng gạo thành phẩm được chất lên phương tiện vận chuyển sạch, thông thoáng để vận chuyển đến cửa hàng - kho nhà phân phối, hoặc đóng trực tiếp vào container tại nhà máy để xuất khẩu.
Từng quy trình sản xuất, nhà máy đều thực hiện ghi chép vào các mẫu đã được in sẵn. Nhân viên phụ trách sẽ ghi vào các mẫu, sau đó chuyển cho giai đoạn tiếp theo ghi tiếp. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn công sức trong giai đoạn tổng hợp, nhập liệu. Để tạo các báo cáo, nhân viên phải nhập lại trong tập tin Excel và thống kê lại. Ngoài ra, do ghi chép thủ công nên khi tra cứu thông tin của 1 lô hàng, cần phải tìm kiếm bản lưu trữ đã in.
Vì vậy, hệ thống của Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học An Giang) thiết kế cho Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương nhằm hỗ trợ nhập liệu các giai đoạn sản xuất tại nhà máy thông qua điện thoại Android hoặc trên máy tính, kết xuất báo cáo được thực hiện tự động. Nhờ vậy, việc tra cứu thông tin gần như được thực hiện tức thời.
TS Huỳnh Phước Hải cho biết, với hệ thống đang được xây dựng tại Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, quy trình sản xuất đã được chuẩn hóa, sản phẩm có thương hiệu và trình độ sử dụng tin học của người quản trị doanh nghiệp tốt. Hệ thống này có thể nghiên cứu triển khai ở các doanh nghiệp khác.
“Tại Việt Nam, các chuỗi cung ứng nông sản đang trở thành giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp cộng sinh và tồn tại trong bối cảnh hiện tại. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp hỗ trợ để giải quyết các khó khăn mà các sản phẩm nông nghiệp đang thực sự đối mặt” - TS Huỳnh Phước Hải nhấn mạnh. |
HOÀNG XUÂN