An Giang chuẩn bị bước tiến mới cho chuyển đổi số

12/04/2022, 10:52

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Đề án được triển khai với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài, tác động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. An Giang đang tích cực xúc tiến triển khai Đề án 06 trên địa bàn.

Trách nhiệm chung, sản phẩm dùng chung

Thời gian qua, ngành công an tập trung thực hiện 2 dự án mang tầm quốc gia do Chính phủ giao: Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Cả 2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi kết quả thực hiện sẽ tạo ra sự thay đổi phương thức quản lý công dân (từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin); quản lý toàn dân thông qua mã số định danh cá nhân, góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành...

Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống cấp, quản lý căn cước công dân góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện Đề án 06, khi đề án hướng đến phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Ngày 18/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 145/KH-UBND triển khai Đề án 06, giao trách nhiệm cho 28 sở, ngành phối hợp địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Phải tuyên truyền sâu rộng, xác định rõ, đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát triển thành nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối chung trên toàn quốc; do đó phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, sản phẩm dùng chung cho các bộ, sở ngành, địa phương, cơ quan trong hệ thống chính trị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân (đã, đang và sẽ xây dựng) phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Trách nhiệm riêng, hành động đồng bộ

 Đầu tháng 4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp xã, tạo điều kiện cho từng sở, ngành, địa phương thảo luận, thông tin về những thuận lợi, vướng mắc, khó khăn ban đầu khi triển khai thực hiện; giải pháp phù hợp thực tế địa phương, đơn vị. Điển hình, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất tỉnh phê duyệt kinh phí để hoàn thiện quá trình nâng cấp thiết bị có liên quan. Sở Tư pháp thông tin những đầu công việc quan trọng liên quan đến cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016; đầu tư máy tính, trang thiết bị và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch… cho xã, phường, thị trấn; quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện đầy đủ nội dung, phân công trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể vào kế hoạch của từng ban, ngành, phường, xã. Đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 06 phù hợp địa bàn; thành lập tổ tuyên truyền đặc biệt để trực tiếp tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng. Đồng thời, rà soát, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ thành phố đến phường, xã trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin “một cửa điện tử”…” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều cho biết.

Nhiệm vụ trước mắt sẽ rất nặng nề, áp lực. Mỗi đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của mình; trong đó, cần chú ý lộ trình, thời gian thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án. Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Muốn làm tốt, các cấp, ngành, địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định. Sự hành động đồng bộ ở sở, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Thủ trưởng sở, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải quyết liệt, sâu sát trong lãnh, chỉ đạo thực hiện tại đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí nguồn nhân lực và kinh phí để triển khai đề án tại địa phương, nhất là ở cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ trình độ, năng lực để thực hiện công việc theo thẩm quyền…”.

Sở Thông tin và Truyền thông An Giang có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật, kết nối, triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công an các cấp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống” và đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (trước ngày 31/12/2022)

GIA KHÁNH

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO