55% số trường Đại học ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình về chuyển đổi số

18/08/2022, 09:28

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 55% số trường Đại học tại Việt Nam chỉ ở mức độ 1 đến 3 trong 6 cấp độ về chuyển đổi số trong giáo dục.

Năm 2022 sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư hệ thống học trực tuyến đại trà mở

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo tại trường ĐH Hà Nội" vừa tổ chức, TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, giáo dục đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 25/1/2022, Thủ tướng đã Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030"; khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề này.

TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Minh Tuấn).

Theo TS Nam, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng không bắt đầu từ con số 0 mà đã có được những kết quả từ quá trình nhiều năm chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo thống kê, hiện 100% trường đại học đều sử dụng cổng thông tin điện tử theo thông tư của Bộ GD&ĐT; triển khai hệ thống email, wifi; sử dụng các hệ thống văn bản điện tử, phần mềm quản lý trường học. Riêng trong dạy học, khoảng 50-60% trường đại học đã triển khai dạy học trên hệ thống học trực tuyến LMS (Learning Management System).

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học được chia làm 6 mức độ. Trong đó, mức 1 là chưa có ý tưởng, mức 2 là có mong muốn chuyển đổi số, mức độ 3 là đã xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số, mức 4 là bắt đầu thí điểm chuyển đổi số, mức độ 5 là mở rộng việc triển khai và mức độ 6 là bắt đầu thu lợi được, có những thành tựu từ chuyển đổi số mang lại.

"Theo thống kê, khoảng 45% trong tổng số các trường đại học của Việt Nam hiện nay đang ở mức độ 3-4. Còn lại 55% ở mức độ 1 đến 3. Như vậy, chúng ta chỉ đang ở mức độ trung bình về chuyển đổi số", TS Nam nhận định.

TS Nam nhấn mạnh, có 2 mục tiêu lớn của chuyển đổi số trong giáo dục đại học, gồm: quản lý giáo dục, quản trị các nguồn lực trong nhà trường và vấn đề dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trong 2 mục tiêu trên, vấn đề dạy và học là quan trọng nhất.

"Cần đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu hàng ngày trong nhà trường. Trước đây, chúng ta nghĩ khi có Covid-19 mới học trực tuyến, nhưng không phải như vậy. Việc dạy học trên môi trường số cũng cần song song với hoạt động dạy học trực tiếp", TS Nam nói.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho hay, để đạt các mục tiêu đã đề ra, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chủ trương đầu tư một hệ thống học trực tuyến đại trà mở. Theo đó, Bộ sẽ đầu tư phần mềm nền tảng và hạ tầng (máy chủ, đường truyền) để chạy phần mềm. "Hồn cốt" của phần mềm sẽ là các học liệu, bài giảng điện tử chia làm 7 nhóm ngành. Dự kiến, năm 2022 sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư và năm 2023 sẽ ký hợp đồng, triển khai thực hiện.

Hiện Bộ đã giao cho một số trường đại học đầu mối xây dựng các học liệu, đưa lên phần mềm để chia sẻ dùng chung miễn phí cho tất cả các trường đại học trong cả nước, thuộc nhóm ngành nào sẽ dùng học liệu của nhóm ngành đó.

"Tuy nhiên, đây chỉ là bước "mồi", vì các khóa học của chúng ta phải thường xuyên được cập nhật, bổ sung. Do đó, sau này tất cả các trường sẽ cùng tham gia vào để đóng góp các khóa học; chúng ta cùng chia sẻ, cùng dùng, cùng khai thác", TS Nam thông tin. Ông cũng nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, các trường đại học phải có đề án riêng về chuyển đổi số.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số ở Việt Nam và gần 300 đại biểu (Ảnh: Minh Tuấn).

Chuyển đổi số cần lấy người học làm trung tâm

Theo TS Tô Hồng Nam, trong Đề án 131 được Thủ tướng phê duyệt, có 5 quan điểm về chuyển đổi số.

Thứ nhất, khai thác tất cả ứng dụng của công nghệ để tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, làm thay đổi tích cực phương thức, chất lượng, hiệu quả, cơ hội học tập cho người học.

Thứ hai, lấy người học làm trung tâm. "Mức độ đánh giá chuyển đổi số là đánh giá ở sự tiến bộ của người học, hiệu quả của công tác giảng dạy; lấy thước đo sự tiến bộ của người học là thước đo thành công của chuyển đổi số", TS Nam nói.

Thứ ba, thiết kế tổng thể trước, nhưng triển khai có trọng tâm trọng điểm và có lộ trình.

Thứ tư, chuyển đổi số muốn thành công phải có sự quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước (đặc biệt trong vấn đề pháp lý) và sự chủ động của các nhà trường; sự tham gia của phụ huynh, các doanh nghiệp.

Thứ năm, quản lý trên dữ liệu số, công nghệ số, tạo ra một nền giáo dục mở để cùng đóng góp, cùng khai thác.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cũng khẳng định việc cần tập trung cho sinh viên; lấy người học làm trung tâm trong thực hiện chuyển đổi số. Theo TS Minh, trường Đại học Hà Nội là một trong những trường đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ (từ những năm 1980) và ứng dụng công nghệ multimedia vào giảng dạy.

TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội (Ảnh: Minh Tuấn).

Hiện nay, trường có đầy đủ các trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ chuyên nghiệp, hiện đại và cũng đã xây dựng được những phần mềm học ngoại ngữ riêng, mang bản sắc. "Lãnh đạo nhà trường đã sát sao chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. định hướng 2030 với đầy đủ các thành phần đại diện cho các đơn vị, trưởng ban là đồng chí Hiệu trưởng phụ trách", TS Minh thông tin.

Ông nhấn mạnh, Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo tại trường ĐH Hà Nội" là sự kiện rất quan trọng mở đầu cho việc thực hiện Đề án chuyển đổi số của nhà trường.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số ở Việt Nam cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị phòng, khoa, trung tâm, bộ môn và các cán bộ phòng, ban chức năng và những giáo viên đam mê công nghệ.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO