5 hoạt động hướng tới thúc đẩy phát triển chuyển đổi số ngành y tế

10/02/2023, 14:39

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện 5 hoạt động chính yếu để hướng tới phát triển chuyển đổi số trong y tế.

Tại Hội thảo Y tế số diễn ra vào ngày 9-2 do Tổng lãnh sự quán Anh tổ chức, ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ Y tế chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số y tế tại Việt Nam và 5 hoạt động trong thời gian tới.

Theo ông Viết, tại Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh hầu hết đều có các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, quản lý như: hệ thống HIS, LIS, PACS/RIS. Có 45 cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.

Hiện nay, các thủ tục hành chính của Bộ Y tế đều được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Có cổng công khai kết quả đấu thầu, giá thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc,…

Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC

“Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, tuy nhiên chuyển đổi số y tế của nước ta cần phải được đầu tư, nâng cao hơn nữa để mang lại nhiều kết quả thiết thực cho ngành y tế” - ông Viết nhận định.

Để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số ngành y tế, thời gian tới, ông Viết cho hay Bộ Y tế sẽ nâng cao nhận thức, hoàn thiện môi trường pháp lý trong chuyển đổi số y tế như: Xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu y tế; Xây dựng các thông tư, hướng dẫn phục vụ chuyển đổi số; Kiện toàn tổ chức để thực hiện chuyển đổi số y tế; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý ứng dụng CNTT.

Tổng lãnh sự Anh Emily Hamblin. Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng lãnh sự Anh Emily Hamblin nhận định: "Nỗ lực chung của Anh và Việt Nam thời gian qua đã phần nào giúp giải quyết vấn đề dịch bệnh COVID-19.

Hiện tại dù TP còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cam kết sẽ là đối tác y tế đáng tin cậy của Việt Nam, mang lại những cống hiến thiết thực giúp phát triển ngành y tế sau dịch. Đặc biệt tổng lãnh sự quán Anh sẽ chú trọng phát triển khả năng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam"

Cạnh đó, Bộ còn phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số bằng cách: Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số, sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong phát triển hệ thống và cơ sở dữ liệu lớn của ngành; Tạo lập kho dữ liệu số ngành y tế; Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số y tế như hồ sơ sức khỏe điện tử; quản lý tiêm chủng; Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng triển khai chính phủ số.

Đặc biệt, trong chuyển đổi số y tế, ông Viết nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn thông tin mạng. Cụ thể sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, gồm: thể chế, nhận thức; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn thông tin, theo dõi, thu thập dữ liệu, cảnh báo, điều tra, xác minh, ngăn chặn sự cố, khôi phục dữ liệu,…; Xây dựng, phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin và thực hiện các biện pháp bảo đảm.

Hội thảo Y tế số do Tổng lãnh sự quán Anh tổ chức. Ảnh: BTC

Ngoài ra, để đẩy mạnh chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế, Bộ Y tế sẽ: Đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, cải cách hành chính, tiến tới không sử dụng văn bản giấy (trừ văn bản mật); Xây dựng hệ thống thông tin tổng thể phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế, kết nối tới các địa phương; Chuyển đổi hoạt động ngành y tế trên môi trường mạng gắn lấy công dân số là trung tâm phục vụ;

Cuối cùng, để phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển, Bộ Y tế sẽ đào tạo, hình thành mạng lưới nhân lực thực hiện chuyển đổi số y tế thống nhất từ trung ương đến cấp cơ sở; Đào tạo tập huấn hằng năm cho cán bộ chuyên trách theo chuẩn kỹ năng số quốc gia; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển đổi số y tế; Khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu khoa học, xây dựng, triển khai các ứng dụng trong nước; Xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao về công tác trong ngành y tế.

Mục tiêu đến 2025

100% hệ thống thông tin y tế được bảo đảm an toàn thông tin; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và được lưu trữ, chia sẻ theo quy định; 100% hoạt động chỉ đạo điều hành và quản trị nội bộ được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể; 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, tập trung, có ứng dụng AI;

Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số; Tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, nâng ngạch được thực hiện trực tuyến; 50% cán bộ công nhân viên chức được bồi dưỡng phân tích dữ liệu và công nghệ số; Mỗi cơ sở khám chữa bệnh đều triển khai tư vấn từ xa; Hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt,…; 100% các dịch bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.

THẢO PHƯƠNG

Tin liên quan

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO